VPBank đã phân phối 30 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ, nhân viên
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ VPB để phát hành trong chương trình lựa chọn cho người lao động, thu về 300 tỷ đồng.
VPBank đã phân phối 30 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ, nhân viên |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) vừa thông báo đã phát hành 30 triệu cổ phiếu quỹ VPB cho người lao động theo chương trình ESOP, tương đương với 0,675% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương 1/3 giá trên thị trường hiện nay.
Các cổ phiếu ESOP phát hành cho cán bộ nhân viên này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa ba năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán 16/8/2022.
Cụ thể, 30% số cổ phần sẽ được giải tỏa sau một năm, 35% số cổ phần tiếp theo được giải tỏa sau hai năm, và 35% cổ phần còn lại được giải tỏa sau ba năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Các cổ phiếu vừa phát hành dự kiến sẽ được chuyển giao cho người lao động trong tháng 8 và 9 tới đây. Tổng số người lao động được phân phối cổ phiếu ESOP này là 665 người.
Sau đợt phát hành, VPBank còn lại 30,22 triệu cổ phiếu quỹ và có tổng cộng gần 4,51 tỷ cổ phiếu VPB.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 17/8, giá cổ phiếu VPB dừng ở 30.150 đồng/cp, tăng 6,7% so với một tháng trước nhưng kém 15,8% so với đầu năm 2022. Vốn hóa của VPBank hiện nay đạt 134.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 ngành ngân hàng.
Diễn biến cổ phiếu VPB trong 6 tháng qua |
Về kết quả kinh doanh, hoạt động kinh doanh của VPBank trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành, cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm của hai phân khúc chiến lược này đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp.
Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.
Đáng chú ý, tổng chi tiêu thẻ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 22% so với cùng kỳ, hậu thuẫn bởi loạt sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch. VPBank vừa qua đã được tổ chức VISA vinh danh với giải thưởng thuộc 2 lĩnh vực dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số và tỷ lệ thẻ hoạt động.
Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1,7 nghìn tỷ đồng.
Phương Thảo