Châu Âu chuẩn bị 'đối phó' với thuế quan của Mỹ
Châu Âu cần "chuẩn bị sẵn sàng" và dự đoán các mức thuế thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp dụng.
Châu Âu cần "chuẩn bị sẵn sàng" và dự đoán các mức thuế thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp dụng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 22/1.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ảnh chụp màn hình |
Bà nhận định rằng việc Tổng thống Donald Trump không áp dụng các mức thuế toàn diện ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức là một “cách tiếp cận rất thông minh bởi vì các mức thuế toàn diện không nhất thiết mang lại kết quả như mong đợi”.
Theo đó, bà cho rằng các mức thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ mang tính “có chọn lọc và tập trung hơn”.
“Điều chúng ta cần làm ở châu Âu là chuẩn bị sẵn sàng và dự đoán những gì có thể xảy ra để phản ứng kịp thời”, bà nói với phóng viên của CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos.
Áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU
Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ từ EU và tiếp tục lặp lại lời cảnh báo này kể từ khi nhậm chức vào hôm 20/1. Ông tuyên bố với các phóng viên rằng EU đã đối xử “rất, rất tệ với chúng tôi. Vì vậy, họ sẽ phải đối mặt với thuế quan”.
Ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu, hôm 22/1 nói với CNBC rằng nếu lợi ích kinh tế của khối này cần được bảo vệ, EU sẽ phản ứng “một cách tương xứng”.
Tranh cãi về tác động của các mức thuế
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các mức thuế này có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của các quốc gia bị áp dụng, dẫn đến việc giảm xuất khẩu sang Mỹ. Một số ý kiến cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng khi thuế quan làm gia tăng lạm phát.
Tổng thống Donald Trump cho rằng các mức thuế sẽ bảo vệ doanh nghiệp Mỹ và hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Lagarde phát biểu hôm 22/1 rằng việc giảm nhập khẩu từ châu Âu để “củng cố” ngành sản xuất trong nước của Mỹ là đáng nghi ngờ. Bà cho rằng “nền kinh tế Mỹ hiện tại gần như đang hoạt động hết công suất”.
“Nếu bạn nhìn vào thị trường lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Nếu bạn nhìn vào năng lực, nền kinh tế gần như đã vận hành hết công suất. Vì vậy, ý tưởng rằng bạn có thể tự sản xuất thay thế những gì không nhập khẩu nữa, hoặc nhập khẩu với giá cao hơn, sẽ cần một khoảng thời gian để thực hiện”, bà nói.
Các nhà nhập khẩu cũng khó có thể duy trì hoạt động kinh doanh với mức lợi nhuận thấp trong thời gian dài, đồng nghĩa với việc cuối cùng “gánh nặng sẽ chuyển sang người tiêu dùng”, bà Lagarde nói thêm.
Một cách ứng phó với chính sách thương mại của Mỹ
Bà Lagarde cũng kêu gọi gỡ bỏ các rào cản thương mại trong nội bộ châu Âu. Bà lưu ý rằng, mặc dù có khát vọng xây dựng một thị trường chung, vẫn tồn tại những rào cản đôi khi ngăn cản sự lưu thông tự do của hàng hóa và dịch vụ.
“Tôi nghĩ đây là một trong những điểm mà bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, mới đây đã đề cập - hãy đảm bảo rằng chúng ta loại bỏ các rào cản mà chúng ta có thể kiểm soát”, bà Lagarde nói.
Bà bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ được thực hiện trong vài tuần tới, coi đó là “một cách để đối phó với sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ”.
“Hãy đảm bảo rằng bạn vẫn tiến hành các hoạt động giao dịch, mua bán, tiết kiệm và đầu tư ở trong nước một cách mạnh mẽ. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta muốn có cách tiếp cận theo hướng bảo hộ, bởi vì việc giảm các rào cản đã cho chúng ta thấy thương mại thực sự rất hữu ích”, bà Lagarde nói.
Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ từ EU và tiếp tục lặp lại lời cảnh báo này kể từ khi nhậm chức vào hôm 20/1. |