Chính phủ Pháp bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Chính phủ Pháp bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.
Ngày 4.12 theo giờ địa phương, các nhà lập pháp đối lập Pháp đã lật đổ chính phủ thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đẩy cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) vào sâu hơn cuộc khủng hoảng đe dọa đến khả năng lập pháp và chế ngự thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước này.
Theo Reuters, các nghị sĩ cực hữu của đảng Tập hợp quốc gia cánh hữu (RN) và đảng Mặt trận bình dân mới (NPF) cánh tả đã hợp lực ủng hộ động thái bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier cùng nội các thiểu số do Tổng thống Emmanuel Macron áp đặt, với đa số 331 phiếu ủng hộ, vượt con số cần thiết là 288 phiếu.
“Tôi không coi đó là một chiến thắng”, cựu lãnh đạo đảng cực hữu RN, bà Marine Le Pen nói với truyền hình Pháp TF1 sau cuộc bỏ phiếu. “Chúng tôi đã đưa ra lựa chọn để bảo vệ người dân Pháp”.
“Chúng tôi không làm điều đó một cách dễ dàng”, bà Le Pen nói thêm. “Không có giải pháp nào khác”.
Ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng lớn nhất của NPF, cho biết kết quả là “không thể tránh khỏi” và kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức.
“Ngay cả khi có Thủ tướng Barnier ba tháng một lần, Tổng thống Macron cũng không thể trụ được ba năm”, ông Melenchon viết trên X. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp đã loại trừ khả năng từ chức.
Tổng thống Macron đã bổ nhiệm Thủ tướng Barnier vào tháng 9, khiến NPF tức giận. Liên minh cánh tả đã giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội trong cuộc bầu cử bất ngờ vào mùa hè vừa qua, như một phần của thỏa thuận với tổng thống nhằm loại bỏ RN. Nhưng sau đó ông Macron đã quay lưng với NPF để ủng hộ một nội các thiểu số dựa vào sự ủng hộ ngầm của RN.
Mọi chuyện trở nên căng thẳng về đề xuất ngân sách an sinh xã hội, trong đó Thủ tướng Barnier đã cố gắng cắt giảm chi tiêu 40 tỉ euro (41,87 tỉ USD) và tăng 20 tỉ euro tiền thuế để giải quyết thâm hụt lớn. RN đe dọa sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm trừ khi nội các đưa ra một số nhượng bộ đối với "ranh giới đỏ" của mình.
Bà Le Pen cáo buộc thủ tướng là "cực kỳ bảo thủ và theo chủ nghĩa bè phái" trong các cuộc đàm phán ngân sách và đưa ra thời hạn chót cho ông Barnier đáp ứng các yêu cầu của RN, mà Bộ trưởng Ngân sách Laurent Saint-Martin đã từ chối.
Đã có gần 150 động thái bất tín nhiệm kể từ khi nền Cộng hòa thứ năm được thành lập vào năm 1958. Trước ngày 4.12, chỉ có một chính phủ từng bị lật đổ - chính phủ của Thủ tướng Georges Pompidou, vào tháng 10 năm 1962.
Ông Barnier có khả năng sẽ tiếp tục làm thủ tướng tạm quyền cho đến khi ông Macron có thể bổ nhiệm người thay thế. Tổng thống Pháp đã mất gần hai tháng để làm như vậy sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7. Một cuộc bỏ phiếu khác không phải là một lựa chọn, vì hiến pháp Pháp cấm điều đó sau ít nhất một năm.