Mỹ thử nghiệm 'robot chó sói' để bảo vệ máy bay chiến đấu
Mỹ đang thử nghiệm robot gắn mô hình chó sói để xua đuổi chim tại các sân bay quân sự nhằm bảo vệ máy bay chiến đấu.
Nghe có vẻ như phim khoa học viễn tưởng, nhưng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kỹ sư (ERDC) của Quân đoàn Công binh Mỹ, “robot đấu với chim” đang là giải pháp thực sự cho một vấn đề nguy hiểm: chim và động vật hoang dã đe dọa máy bay quân sự ngay tại sân bay gốc.
ERDC đang phát triển các nguyên mẫu xe tự hành không người lái (UGV) chuyên tuần tra sân bay để xua đuổi các loài động vật có thể gây thiệt hại hàng triệu đô la — hoặc thậm chí cướp đi sinh mạng của phi hành đoàn nếu va phải động cơ máy bay.
Ba chiếc UGV 4 bánh gắn mô hình chó sói bằng nhựa trong đội trình diễn máy bay chiến đấu Blue Angels tinh nhuệ của Hải quân Mỹ. "Coyote Rovers" là nguyên mẫu được thiết kế để xua đuổi động vật hoang dã khỏi các sân bay quân sự. Ảnh: ERDC
Trong một buổi thử nghiệm, người ta thấy ba chiếc UGV 4 bánh trang bị mô hình chó sói kích thước thật đang "gác" quanh đội biểu diễn Blue Angels của Hải quân Mỹ.
Shea Hammond và Tiến sĩ Jacob Jung — hai nhà nghiên cứu của ERDC chuyên về sinh học và rủi ro va chạm giữa chim và máy bay (gọi tắt là BASH) — đã hợp tác trong 5 năm để phát triển hệ thống có tên “Coyote Rovers”.
Hiện những chiếc UGV vẫn trong giai đoạn nguyên mẫu, nhưng đã được thử nghiệm tại nhiều sân bay, bao gồm cả Căn cứ Không quân Hải quân Pensacola, Florida. Tại đây, Blue Angels huấn luyện thường xuyên và chim hoang dã luôn là mối đe dọa nghiêm trọng.
BASH là vấn đề nhức nhối của quân đội Mỹ từ nhiều năm nay. Tại Washington, Hải quân từng thuê huấn luyện viên chim ưng để đuổi mòng biển phá hoại tàu ngầm. Không quân triển khai radar phát hiện chim và hệ thống cảnh báo cấp độ nguy cơ từ 0 đến 8. Một số nơi thậm chí theo dõi chó đồng cỏ bằng GPS để giảm thiểu tác động đến hoạt động bay.
Hải quân Mỹ đã thuê những người nuôi chim ưng để xua đuổi những con mòng biển khỏi hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở tiểu bang Washington. Ảnh: Hải quân Mỹ
Coyote Rovers khác biệt ở chỗ chúng không chỉ là bù nhìn đắt đỏ. Theo nhóm phát triển, các xe có thể được lập trình để hoạt động tự động, tuần tra theo lịch, sạc pin tại các trạm định sẵn và thậm chí tương lai có thể học hỏi để nhận diện từng loài chim hoặc động vật cụ thể. AI và machine learning sẽ giúp robot phản ứng khác nhau với từng loài — chẳng hạn đổi chiến thuật nếu gặp ngỗng thay vì quạ.
Ngoài sân bay, các hệ thống tương tự còn có thể triển khai tại các đập thủy điện hay cơ sở hạ tầng khác mà Quân đoàn Công binh chịu trách nhiệm bảo trì, nơi chim làm tổ và thải phân gây hư hại nghiêm trọng. Robot sẽ thay thế chó sống — cách xưa nay vẫn được dùng để xua đuổi động vật hoang dã.
Jung gợi ý công nghệ này có thể áp dụng trên mặt nước, ví dụ như tàu đệm khí hoặc xuồng không người lái, nhằm dẹp bớt các loài gây rối ở hồ, sông. Ở những căn cứ xa xôi, phiên bản nâng cấp có thể trở thành “vệ sĩ” robot canh gác an ninh.
Nhóm nghiên cứu từng thử nghiệm với robot 4 chân Spot của Boston Dynamics — một thiết kế nổi tiếng giống chó. Nhưng kết quả không như mong đợi: Spot quá chậm để gây hoảng loạn cho động vật, chỉ khiến chúng lùi nhẹ sang bên.
Thay vào đó, họ dùng khung gầm xe điều khiển từ xa Traxxas X-Maxx, có thể chạy 32 km/h — đủ để khiến động vật phải bỏ chạy. Gắn thêm tượng chó sói mua từ nhà cung cấp lâm nghiệp, tổng chi phí một hệ thống thử nghiệm chỉ từ 2.500 đến 3.000 USD.
Quân đoàn Công binh Lục quân Mỹ đã trình diễn "Coyote Rovers" tại Fort Campbell, Tennessee và Căn cứ Không quân Hải quân Whiting Field, Florida. Ảnh: ERDC
Các cuộc trình diễn tại Fort Campbell (Tennessee), Whiting Field (Florida) và nhiều nơi khác đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Một trong những lợi ích lớn là tiết kiệm chi phí cắt cỏ. Việc hoãn được 1–2 tuần giữa các đợt bảo trì nhờ robot xua đuổi chim có thể giảm đáng kể ngân sách cho các sân bay quân sự.
Các cuộc thử nghiệm mới dự kiến sẽ tiếp tục vào mùa hè năm nay, nếu ERDC có đủ kinh phí. Jung và Hammond tin rằng công nghệ không cần phải đắt đỏ hay phức tạp, chỉ cần hiệu quả và phù hợp với thực tế chiến trường.