Số phận hiệp ước AUKUS bị đặt dấu chấm hỏi
Lầu Năm Góc vừa khởi động việc rà soát hiệp ước quốc phòng AUKUS với Anh và Australia nhằm bảo đảm phù hợp với chủ trương "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Động thái này khiến số phận thỏa thuận trị giá 240 tỷ USD giữa Mỹ với hai đồng minh bị đặt dấu chấm hỏi. Theo The Guardian, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, một phần trong quá trình rà soát này là nhằm bảo đảm sáng kiến do chính quyền tiền nhiệm khởi xướng phù hợp với chương trình nghị sự "nước Mỹ trên hết" của tổng thống. Điều này đồng nghĩa với việc bảo đảm mức sẵn sàng cao nhất cho binh sĩ Mỹ, yêu cầu các đồng minh phải đóng góp đầy đủ cho quốc phòng tập thể và nền công nghiệp quốc phòng phải đáp ứng được nhu cầu trong nước.
![]() |
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu về quan hệ đối tác trong khuôn khổ AUKUS, sau cuộc họp 3 bên tại căn cứ hải quân Point Loma ở San Diego, California, Hoa Kỳ, ngày 13-3-2023. Ảnh: Reuters |
Cuộc rà soát được thực hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuần trước yêu cầu Australia nâng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 3,5% GDP. Thủ tướng Australia Anthony Albanese hiện mới cam kết mức 2,4% và khẳng định Australia sẽ tự xác định các ưu tiên quốc phòng của mình.
Theo The Guardian, Tổng thống Donald Trump dường như không coi hiệp ước này là ưu tiên. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh Keir Starmer hồi tháng 2 tới Mỹ, khi được hỏi về AUKUS, ông Donald Trump đã tỏ ra không quen thuộc với từ viết tắt này và đáp lại: “AUKUS là gì vậy?”.
Động thái trên của Lầu Năm Góc khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng về tương lai của liên minh 3 bên được thiết lập thông qua AUKUS nhằm đối phó với những thách thức đang nổi lên ở khu vực.
Cuộc rà soát này làm gia tăng thêm lo lắng từ các đồng minh về tương lai của liên minh 3 bên trong khuôn khổ AUKUS. Hiện Australia đặc biệt trông cậy vào AUKUS để hiện đại hóa toàn bộ đội tàu ngầm của mình. Theo thỏa thuận được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden vào năm 2021, Australia sẽ mua các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó Mỹ cam kết bán tối đa 5 chiếc tàu ngầm lớp Virginia từ năm 2032. Một mẫu tàu ngầm chung hoàn toàn mới dự kiến sẽ được phát triển vào đầu năm 2040.
Hiện chỉ có 6 quốc gia vận hành tàu ngầm hạt nhân là: Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Ấn Độ. AUKUS được kỳ vọng sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7.
Không tỏ ra bất ngờ trước động thái của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles ngày 12-6 cho biết, ông tin tưởng hiệp ước tàu ngầm AUKUS với Mỹ và Anh sẽ được tiếp tục triển khai. Theo ông Richard Marles, một thỏa thuận kéo dài nhiều thập kỷ như AUKUS chắc chắn sẽ được các chính phủ kế nhiệm xem xét lại nhằm xác định cách thức tham gia hiệu quả nhất. Bộ trưởng Richard Marles cam kết Chính phủ Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiến hành rà soát lại thỏa thuận quốc phòng này.
Trong năm 2023, Australia đã cam kết chi 239,3 tỷ USD trong 3 thập kỷ cho AUKUS, dự án quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của nước này với Mỹ và Anh, để mua và chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, Chính phủ Anh phản ứng một cách thận trọng trước thông tin Mỹ đang rà soát lại hiệp ước với tuyên bố: “AUKUS là một thỏa thuận hợp tác an ninh và quốc phòng mang tính bước ngoặt với hai trong số những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi”.
Cũng như Australia, trong tuyên bố, Anh khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Australia ở mọi cấp độ để tối đa hóa lợi ích và cơ hội mà AUKUS mang lại cho cả 3 nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài việc gây lo ngại ở Australia, lần rà soát này cũng có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch quốc phòng của Anh. AUKUS là trung tâm trong kế hoạch mở rộng năng lực hạm đội tàu ngầm của Anh.
Theo Financial Times, hiện nay, người được giao chỉ đạo cuộc rà soát AUKUS là ông Elbridge Colby, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, người có quan điểm hoài nghi về AUKUS.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, Mỹ đã thông báo cho Australia và Anh về đợt rà soát này.
Mỹ lập ra AUKUS từ năm 2021, với mục tiêu hỗ trợ đồng minh nâng cấp sức mạnh quân sự. Trong khuôn khổ AUKUS, Mỹ và Anh sẽ bắt đầu điều tàu ngầm của họ luân phiên đến căn cứ hải quân ở Tây Australia từ năm 2027.
XUÂN PHONG