Tổng đình công đòi tăng lương ở Hy Lạp, nhiều hoạt động tê liệt
Một cuộc tổng đình công đã khiến tàu thuyền neo đậu và làm gián đoạn các dịch vụ đường sắt và xe buýt trên khắp Hy Lạp vào thứ Tư, khi hàng nghìn công nhân tuần hành tại Athens để yêu cầu tăng lương và cải thiện mức sống.
Các bác sĩ, giáo viên, công nhân xây dựng và công nhân vận tải từ các công đoàn tư nhân và công cộng lớn nhất của Hy Lạp đã tham gia cuộc bãi công do chi phí sinh hoạt tăng cao.
"Mỗi lần chúng tôi đi siêu thị và mỗi lần hóa đơn tiền điện đến, chúng tôi lại bị đau tim nhẹ", Stratis Dounias, một nhân viên tòa án tham gia cuộc tuần hành ở Athens cho biết. "Chúng tôi muốn có biện pháp thực sự chống lại giá cả tăng cao".
Những người biểu tình tập trung tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm Athens hô vang "Quyền của người lao động là luật pháp" và vẫy biểu ngữ có dòng chữ "Tổng đình công phản đối giá cả tăng cao".
Nền kinh tế Hy Lạp đã phục hồi kể từ cuộc khủng hoảng nợ, nhưng mức lương vẫn thấp hơn mức trung bình của châu Âu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người nằm trong số những mức thấp nhất ở Liên minh châu Âu, trong khi chi phí hàng hóa tăng vọt.
Nhiều người Hy Lạp đã chứng kiến tiền lương và lương hưu của họ bị cắt giảm để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 280 tỷ euro (297 tỷ đô la) trong cuộc khủng hoảng nợ, khiến sản lượng kinh tế của Hy Lạp giảm một phần tư và gần như đẩy nước này ra khỏi khu vực đồng euro.
Chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã tăng mức lương tối thiểu kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2019, lên 830 euro và cam kết sẽ tăng lên 950 euro vào năm 2027. Chính phủ cũng đã tăng lương hưu.
Nhưng người Hy Lạp cho rằng mức tăng này là chưa đủ vì chi phí năng lượng, thực phẩm và nhà ở vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn mức tăng lương và lương hưu.
"Hôm nay chúng tôi yêu cầu chính phủ trả lại những gì họ và các chính phủ trước đã lấy của chúng tôi trong thập kỷ qua. Sức mua của chúng tôi đã giảm 50%, lạm phát ảnh hưởng đến mọi thứ", người về hưu Giorgos Skiadiotis cho biết.
GSEE, công đoàn tư nhân lớn nhất của Hy Lạp đại diện cho khoảng 2,5 triệu công nhân, đã đổ lỗi cho "các tập đoàn độc quyền" về những hoạt động thông đồng khiến giá cả hàng hóa cơ bản tăng cao.
Bùi Huy (theo Reuters)