Tổng thống Donald Trump trấn an người dân Mỹ sau khi mức thuế quan mới có hiệu lực
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-4 đã kêu gọi người dân “kiên nhẫn” với chính sách thuế mới. Ông khẳng định chính sách này nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, đây là “cuộc cách mạng kinh tế” dù quá trình thực hiện có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo BBC, trong thông điệp đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ về việc làm và hoạt động kinh doanh. “Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng. Hãy kiên trì, điều này không dễ dàng, nhưng kết quả cuối cùng sẽ mang tính lịch sử”, ông Donald Trump cho biết.
Nhà lãnh đạo Mỹ bình luận như vậy sau khi mức thuế cơ bản 10% mà Washington áp với hàng nhập khẩu từ tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bắt đầu có hiệu lực tại các cảng biển, sân bay và kho hải quan của Mỹ từ sáng 5-4 (giờ địa phương). Sau đó, kể từ ngày 9-4, khoảng 60 đối tác thương mại của Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, có thể lên tới 50%. Mức thuế này đánh vào hầu hết mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, ngoại trừ hàng hóa từ Mexico và Canada.
![]() |
Tàu container cập cảng Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 4-4. Ảnh: RTE |
Hiện nay, các đối tác thương mại của Washington đã nhanh chóng vào cuộc tìm giải pháp cho vấn đề này. Nhìn chung, đàm phán vẫn là ưu tiên bởi các bên đều hiểu rằng đáp trả có thể khiến căng thẳng leo thang theo hướng bất lợi cho kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, không ít quốc gia coi đây là cơ hội để tái cơ cấu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới của Mỹ có Liên minh châu Âu (EU), với mức thuế đối ứng 20%. Thay vì đưa ra biện pháp đáp trả thuế quan, EU đang cân nhắc các phương án đàm phán. Ủy viên thương mại và an ninh kinh tế EU, ông Maros Sefcovic, tuyên bố khối này sẽ có phản ứng "bình tĩnh, theo từng giai đoạn và thống nhất” song khẳng định EU sẽ hành động.
Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti ngày 5-4 cho biết, chính phủ nước này mong muốn “hạ nhiệt căng thẳng” với Mỹ liên quan đến chính sách thuế quan, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu các bên áp đặt những biện pháp trả đũa. Trong khi đó, tỷ phú công nghệ Elon Musk-hiện là cố vấn cho Tổng thống Donald Trump-đã bày tỏ hy vọng Mỹ và châu Âu trong tương lai có thể tiến tới xóa bỏ thuế quan, hướng tới việc thiết lập một khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương.
Không riêng EU, nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ cũng mong muốn một giải pháp có lợi cho đôi bên và giảm thiểu thiệt hại từ “bức tường” thuế quan vốn có thể gây ra các cú sốc kinh tế, rạn nứt quan hệ song phương. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru kêu gọi cách tiếp cận "bình tĩnh" trong đàm phán với Tổng thống Donald Trump, cho dù các biện pháp thuế của Mỹ hiện nay đang tạo ra “khủng hoảng quốc gia” đối với Nhật Bản. Tương tự, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi Parks Tau và Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Ronald Lamola cho biết nước này lựa chọn giải pháp ngoại giao thay vì trả đũa sau chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump đối với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nam Phi.
Đối với Thái Lan, quốc gia này đã nhanh chóng có hành động để “tìm tiếng nói chung” với Mỹ. Ngày 6-4, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính nước này Pichai Chunhavajira sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Mỹ trong tuần này để thảo luận về các vấn đề thương mại.
Trên bình diện khu vực, Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2025, đã triệu tập cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng kinh tế ASEAN vào ngày 10-4 để thảo luận về phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực. Hầu hết các nước Đông Nam Á hiện đang theo đuổi nhiều mối quan hệ thương mại đa dạng với các đối tác khác ngoài Mỹ, như Trung Quốc và EU. Theo ông Parker Novak, chuyên gia Sáng kiến An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, thuế mới của Mỹ sẽ củng cố khuynh hướng đa dạng hóa hơn nữa quan hệ thương mại của khu vực.
BẢO CHÂU