• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc bền bỉ bảo vệ nguồn cá thượng nguồn sông Dương Tử

Một giáo sư đại học ở Trung Quốc đang dẫn đầu các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở thượng nguồn sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á.

Trung Quốc bền bỉ bảo vệ nguồn cá thượng nguồn sông Dương Tử

Vùng Tam Hiệp, khu vực được nhiều người coi là khu vực có phong cảnh đẹp nhất sông Dương Tử. Ảnh: Xinhua

Liu Haiping - giáo sư tại Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Tây Nam ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, đã làm việc ở thượng nguồn sông Dương Tử trong 20 năm, trong đó có 15 năm bảo tồn cá ở khu vực thuộc khu tự trị Tây Tạng.

Kể từ khi đến Trùng Khánh, Giáo sư Liu đã tận tâm phục hồi quần thể cá quý hiếm, theo CGTN.

"Có khoảng 180 loài cá ở Trùng Khánh. Một số loài chỉ có ở sông Dương Tử và một số ít đang ở trong tình trạng nguy cấp. Đối với những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng, chúng tôi phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để bảo tồn" - ông Liu cho hay.

Hai loài cá có nguy cơ tuyệt chủng được phát hiện ở đoạn Yunyang của sông Yangxi, một nhánh của sông Dương Tử ở khu vực hồ chứa đập Tam Hiệp. Ảnh minh họa. Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc

Hai loài cá có nguy cơ tuyệt chủng được phát hiện ở đoạn Yunyang của sông Yangxi, một nhánh của sông Dương Tử ở khu vực hồ chứa đập Tam Hiệp. Ảnh minh họa: Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc

Để ngăn chặn các loài quý hiếm tuyệt chủng, ông Liu và cộng sự đang sử dụng phương pháp bảo tồn nguồn gene, chọn những mẫu có khả năng kháng bệnh tốt và các đặc điểm di truyền tốt khác để nhân giống nhằm tạo ra nhiều loài mạnh hơn.

"Việc bảo tồn nguồn gene thực sự không còn xa lạ với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Lấy cá vàng làm ví dụ. Khi chúng ta tiếp tục chọn những con có màu sắc và hình dạng đẹp hơn để nhân giống chính là một hình thức bảo tồn gene" - ông chỉ ra.

Theo kế hoạch bảo tồn, một ngân hàng gene dành cho các loài thượng nguồn sông Dương Tử đang được phát triển với mục tiêu tăng cường nhân giống cá và thả 1 triệu loài cá thuộc các loài quý hiếm và độc nhất vào sông Dương Tử.

"Là một nhóm các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng này vẫn còn tồn tại trong hàng trăm hoặc hàng nghìn năm nữa. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua những nỗ lực nhất quán của mình, một ngày nào đó những loài cá quý hiếm này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Đó là kết quả mà chúng tôi hy vọng sẽ thấy về lâu dài" - ông cho biết.

Đập Tam Hiệp ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Đập Tam Hiệp ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Quần thể các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng ở sông Dương Tử đang dần phục hồi trong những năm gần đây nhờ lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm có hiệu lực năm 2021 và những nỗ lực nhất quán từ các nhà bảo tồn và nhà khoa học như ông Liu, cũng theo CGTN.

Sông Dương Tử ở Trung Quốc là con sông dài nhất châu Á, con sông dài thứ 3 trên thế giới và là con sông dài nhất chảy hoàn toàn trong một quốc gia.

Con sông bắt nguồn từ vùng nước băng tan của dãy núi Tanggula ở Tây Tạng và chảy dài khoảng 6.300 km cho đến khi đổ ra biển Hoa Đông ở khu vực gần thành phố Thượng Hải. Sông chảy qua 10 tỉnh thành của Trung Quốc.

Trên sông Dương Tử có đập Tam Hiệp, hoàn thành vào tháng 5 năm 2006, là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, theo tạp chí International Water Power & Dam Construction.

Đập Tam Hiệp có chiều cao 192 m và dài 2,3 km. Con đập nằm cách Thượng Hải khoảng 1.610 km về phía tây, thuộc Vùng Tam Hiệp, khu vực được nhiều người coi là khu vực có phong cảnh đẹp nhất sông Dương Tử. Tam Hiệp (có nghĩa là 3 thung lũng hẹp, liền kề) nằm dọc theo trung lưu sông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết