• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao ông Donald Trump từ chối gặp mặt quan chức Trung Quốc trước thềm bầu cử?

Đội ngũ của ông Trump đã liên tiếp từ chối nhiều cuộc gặp mặt với các quan chức từ Trung Quốc do lo sợ những cáo buộc về thu thập thông tin tình báo.

Tờ Financial Times đưa tin, các quan chức Trung Quốc đang liên tiếp thất bại trong việc gặp mặt với các quan chức và người đại diện cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Theo tờ Financial Times, đây có thể coi là động thái mới nhất biểu hiện cho sự lo ngại của Washington về hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc trước thềm bầu cử.

Vì sao ông Donald Trump từ chối gặp mặt quan chức Trung Quốc trước thềm bầu cử?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tháng 12/2018. Ảnh: AP

Theo 8 quan chức người Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh đang ngày càng nỗ lực xây dựng mối quan hệ với đội ngũ của ông Trump, trong đó bao gồm việc mời ông Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc dưới chính quyền Trump, để gặp mặt với vị cựu Tổng thống, nhưng đã không đạt được thành công.

Được biết, ông Cui là quan chức Trung Quốc sở hữu mối quan hệ tốt nhất với các chính trị gia tại Washington. Trong những năm cựu Tổng thống Trump nắm quyền, ông Cui đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con gái ông Trump là Ivanka Trump và chồng bà là Jared Kushner.

Nhận xét về ông Cui, ông Robert Daly, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Wilson (Mỹ), nói ông Cui là một "vị đại sứ tuyệt vời", nhưng cho rằng thời thế đã thay đổi so với 8 năm trước. Ông bình luận: “Đội ngũ của ông Trump không thấy lợi thế nào khi gặp gỡ ông Cui ở giai đoạn này, khi bất kỳ cuộc thảo luận nào có thể gây lo ngại về khả năng thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.”

Đồng quan điểm, ông Dennis Wilder, một cựu chuyên gia của CIA và là cố cấn đối ngoại cấp cao của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng Washington tin rằng: “Người Trung Quốc chỉ tham gia vào việc thu thập thông tin tình báo thay vì tìm kiếm các cuộc thảo luận thực sự.”

Về phía Trung Quốc, một học giả từ nước này nói với tờ Financial Times rằng ông và các đồng nghiệp của mình “rất khó tiếp cận” đội ngũ của ông Trump. Vị học giả này cho biết: “Tôi suy đoán, họ nghĩ rằng người Trung Quốc có ý định xấu, như thu thập thông tin tình báo hoặc cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ”.

Trước thông tin trên, đại diện chiến dịch tranh cử của Trump và đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Financial Times. Tuy vậy, một nguồn tin thân cận với cựu đại sứ Cui đã bác bỏ những cáo buộc của Washington về khả năng thu thập tình báo. Chia sẻ với Financial Times, vị này nói: "Điều cuối cùng mà người Trung Quốc muốn là khiến bất kỳ quan chức nào ở Hoa Kỳ cảm thấy khó chịu, hoặc làm bất cứ điều gì có thể bị cáo buộc là can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới."

Giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với đội ngũ của ông Trump, để tránh sai lầm vào năm 2016. Sau khi ông Trump dành chiến thắng bất ngờ vào cuộc bầu cử năm đó, nhiều quan chức thế giới đã bày tỏ sự hối tiếc vì họ đã không dành thời gian gây dựng mối quan hệ với đội ngũ của ông Trump.

Các cố vấn của ông Trump cũng đang tìm cách né tránh những sai lầm từ năm 2016. Ngay trước khi ông Trump nhậm chức, các cuộc họp đội ngũ của ông với các quan chức Nga, đáng chú ý nhất là giữa đại sứ Nga Sergei Kislyak và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, đã trở thành tâm điểm của vô số các cuộc điều tra.

Bà Victoria Coates, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Trump, cho biết: "Ngay cả các cuộc họp thường kỳ giữa nhóm chuyển giao quyền lực năm 2016 và các nhà ngoại giao Nga cũng đã bị bộ máy quan liêu của chính phủ Mỹ lợi dụng để bẫy các quan chức cấp cao. Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức tương lai của ông Trump sẽ cảnh giác khi tham gia các cuộc họp với một quốc gia như Trung Quốc, nơi thông tin có thể bị thao túng hoặc mô tả sai lệch để ám chỉ sự thông đồng.”

Về phần mình, ông Steve Yates, Chủ tịch Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc tại Viện America First Policy, cho rằng có "rất ít lợi ích" khi gặp gỡ các quan chức từ Trung Quốc. Ông nhận định: "Quan điểm của ông Trump về Trung Quốc đã được biết đến rộng rãi và có nguy cơ các cuộc họp với quốc gia này sẽ bị nhiều người hiểu sai".

Còn về phía đối thủ của ông Trump, các quan chức Trung Quốc cũng đang nỗ lực phát triển mối quan hệ với Phó Tổng thống Kamala Harris, sau khi bà trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Tuy vậy, một số quan chức hiện đang bày tỏ lo ngại vì họ không biết ai sẽ là cố vấn cho bà về các chính sách tại châu Á.

Nhưng theo một phụ tá của bà Harris, Bắc Kinh hiện đã nắm rõ lập trường của bà về Trung Quốc, và cho rằng quan điểm của bà sẽ "tiếp tục được truyền đạt thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên của các quan chức chính quyền Biden - Harris".

Vị phụ tá này nhận định: "Kể từ khi nhậm chức, bà Harris đã nỗ lực để đảm bảo Mỹ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta, và bà sẽ tiếp tục làm như vậy. Bà cũng đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và làm rõ lập trường của chúng tôi".

Những nỗ lực gặp mặt của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh thái độ thù địch đối với quốc gia này đang ngày càng gia tăng tại Washington, trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhận ra rằng các chính sách trừng phạt của Mỹ khó có thể thay đổi, cho dù người thắng cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là ai.

Được biết, ông Trump đã có kế hoạch áp thuế quan cao đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, còn bà Harris gần đây đã tuyên bố rằng: "Chính nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cường quốc vào thế kỷ 21.”


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết