Bài 3: Kết nối chuỗi, tạo lập thị trường bền vững cho sầu riêng
Để sầu riêng đi những bước xa hơn, bền vững hơn, bên cạnh câu chuyện chất lượng, cần có những chính sách hỗ trợ cho liên kết chuỗi.
Bài học nhãn tiền
Năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 34.000 - 35.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn, Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng. Dù đã vào chính vụ, nhưng tình trạng thương lái neo vườn (giữ vườn, không thu hoạch), chủ vườn lo lắng diễn ra nhiều nơi.
Nông dân Đắk Lắk vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN) |
Theo một nhà vườn tại huyện Krông Năng, đầu mùa thương lái đặt cọc vườn sầu riêng khoảng 15 tấn của gia đình với giá 84.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi đến thời gian thu hoạch, cuống sầu riêng đã già, sắp rụng mà thương lái không vào mua với lý do các vựa không mua hoặc mua với giá rất thấp nên không dám cắt vì sợ lỗ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk thông tin, đầu mùa sầu riêng năm 2024, do tình trạng nắng hạn, đến lúc thu hoạch (thời điểm quả chín) tình trạng mưa nhiều hơn năm trước, dẫn đến sầu riêng tại nhiều vườn bị sượng, giảm thu hoạch, mất giá và tiêu thụ gặp khó khăn.
Cũng theo ông Vũ Đức Côn, nếu như năm ngoái, tình trạng thương lái và nông dân phối hợp thiếu chặt chẽ; tình trạng tranh mua, tranh bán, chốt giá sớm, đến khi vào vụ thu hoạch, giá cả biến động dẫn đến mâu thuẫn sẽ lớn hơn và nhiều hơn thì sang năm nay, tình trạng đã được hạn chế đi nhiều nhưng vẫn còn. Người dân và thương lái cùng rút kinh nghiệm. Họ không chốt giá quá sớm.
“Đầu vụ, giá sầu riêng rất tốt, cao hơn năm ngoái, nhưng đến giữa mùa và đỉnh điểm vào vụ thu hoạch tại huyện Krông Pắc, giá giảm chính là do yếu tố chất lượng không tốt bởi yếu tố thời tiết và nhu cầu yếu từ thị trường Trung Quốc”, ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo nhiều thương lái, nhiều nhà vườn sau khi chốt bán thì không thèm quan tâm chăm sóc vườn, dẫn đến trái sầu riêng bị nấm, thối vỏ, mất thẩm mỹ, chất lượng sầu riêng giảm. Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho hay, chính vì việc vi phạm hợp đồng giữa người dân và thương lái cả về nguyên nhân khách quan và chủ quan nên xảy ra nhiều cuộc cãi vã, tranh chấp.
"Biến động của vụ mùa sầu riêng năm nay là hồi chuông cảnh tỉnh để bà con nghiêm túc hơn trong việc chăm sóc vườn sầu riêng", bà Ngô Thị Minh Trinh chia sẻ và cho hay, hiện nay, huyện đang xây dựng ngành sầu riêng tử tế, lấy chữ tín làm đầu.
Cần có chính sách hỗ trợ cho việc liên kết
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho rằng, đã đến lúc cần phải có cơ chế quản lý riêng cho ngành sầu riêng để điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường hiệu quả hợp tác giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh, ngăn chặn các vi phạm trong chuỗi giá trị ngành hàng.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với các HTX, hộ nông dân để truyền thông một cách rộng rãi hơn trong việc quản lý tiêu chuẩn chất lượng. Đây không phải là việc doanh nghiệp yêu cầu mà tự nông dân phải bảo vệ chính mình bằng cách phải canh tác tốt, bảo vệ nguồn đất không bị nhiễm các loại kim loại nặng nhằm bảo đảm chất lượng ngành hàng này.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng.
"Tôi cho rằng, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương", ông Hiếu nhấn mạnh và đề xuất, cần có chính sách hỗ trợ cho việc liên kết, doanh nghiệp phải là người dẫn dắt về mặt thị trường. Việc sản xuất quy mô nhỏ lẻ, không liên kết dẫn đến mạnh ai nấy làm, giảm sức cạnh tranh.
Ông Phạm Quốc Dũng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sạch (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) – cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 02 Nhãn hiệu tập thể: Sầu riêng Krông Pắc, Sầu riêng Cư M”Gar. Vấn đề đặt ra là cần phải có giải pháp để quản lý, phát triển nhãn hiệu, tiến đến nâng tầm thành thương hiệu quốc gia.
Để cây sầu riêng phát triển bền vững, ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk - kiến nghị, cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng – cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp thu mua nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là kho bảo quản, kho lạnh); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; hàng năm tổ chức các cuộc hội thảo liên kết tiêu thụ, tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm quốc gia, quốc tế, giới thiệu sản phẩm sầu riêng trên các sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trồng sầu riêng.
Muốn đi xa, cần đi cùng nhau
Trước những khuyến nghị, đề xuất từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các chuyên gia, về định hướng phát triển sầu riêng, ông Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - cho biết, tỉnh đã có Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững đến năm 2030. Trong đó, địa phương xác định vùng trọng điểm, hạn chế và không nên trồng sầu riêng để có định hướng quản lý.
Ở góc độ địa phương, để nâng cao chất lượng sầu riêng, ông Hoàng Kiên Cường - Chủ tịch UBND huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của huyện cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sầu riêng.
Trong đó, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý tốt mã số vùng trồng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra pháp lý thương nhân để ngành sầu riêng đi vào hoạt động ổn định, thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Trong hướng đi bền vững, HTX Thông Phong (buôn Lách Dơng, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đang hướng đến mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng mã vùng trồng để bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con. Bên cạnh đó, HTX đang triển khai dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp” của Hội Nông dân tỉnh.
Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp nâng cao nhận thức của nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về liên kết phát triển kinh tế tập thể; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất; thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng và bán sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử… Bước đầu thực hiện dự án, HTX đang tiếp tục thu hút thành viên tham gia liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong quá trình canh tác; chăm sóc sầu riêng theo quy trình hữu cơ kết hợp vô cơ để bảo đảm sản phẩm an toàn…
Chính quyền xã Krông Nô nhận định việc liên kết sản xuất sầu riêng là hướng đi đầy triển vọng cho nền nông nghiệp địa phương, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Sầu riêng thích nghi nhất với vùng đất đỏ bazan, năng xuất cao, chất lượng tốt. Có một nét trùng lặp đó là người dân đồng bào dân tộc định cư ở đây khá nhiều. Từ xa xưa, cây sầu riêng đã được trồng ở vườn rẫy của đồng bào. Nhưng ở thời kỳ sản xuất thâm canh, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn như hiện nay, trình độ canh tác của đồng bào dân tộc cũng có hạn chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung này đồng bào thiểu số cũng được hưởng lợi rất nhiều. Những gia đình nào có diện tích lớn, biết chăm chút sẽ thay đổi hẳn thu nhập và đời sống của họ.
Ước tính đến nay cả nước có hơn 150.000 ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25% trong 5 năm gần đây. “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông tin, nông sản Việt xây dựng được thương hiệu mạnh sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Nhiệm vụ hiện nay là đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Sầu riêng mới phát triển và được giá trong khoảng 3 năm trở lại đây. Do đây là ngành hàng có giá trị kinh tế cao, tác động đến kinh tế của địa phương, của người sản xuất và cả người kinh doanh. Vì vậy, mọi việc dần dần sẽ phải dịch chuyển theo hướng tốt hơn, tự mọi khâu trong chuỗi phải được cải thiện. |
Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2 năm 2024, diễn ra từ 31/8 đến 2/9. Đến thời điểm này, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) sẵn sàng cho tất cả các hoạt động tại Lễ hội. Với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, văn hóa sầu riêng ở vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam cũng dần hình thành với nền tảng chất lượng, đầu tư chiều sâu, hòa hợp với văn hóa và con người tại vùng đất này. |