Bất ngờ giá nhà tại các dự án cũ vừa tái khởi động
Một số dự án bất động sản đang tái khởi động và mở bán trở lại sau thời gian đắp chiếu. Tuy nhiên, mức giá khá cao gây nhiều bất ngờ.
Thời gian gần đây, nhiều môi giới đang liên tục rao bán những căn hộ tại dự án Hanoi Melody Residences (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Chia sẻ với PV, môi giới tên Giang cho biết, từ khi mở bán trở lại (tháng 10.2024) đến nay, dự án đã bán được khoảng 300 căn hộ với mức giá 65 - 75 triệu đồng/m2. Dự kiến, dự án được bàn giao vào quý III/2026.
Dự án Hanoi Melody Residences được phát triển bởi Tập đoàn Hưng Thịnh, mở bán rầm rộ vào năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024. Thế nhưng, dự án đã bị dừng thi công từ đầu năm 2023 đến nay.
Tại thời điểm mở bán, dự án có giá bán trung bình khoảng 40 triệu đồng/m2, sau đó gây chú ý khi tung loạt chính sách chiết khấu cao lên đến 38% giá trị căn hộ nếu khách hàng thanh toán sớm 95%. Theo mức chiết khấu này, giá căn hộ lúc đó dao động 25-28 triệu đồng/m2.
Bên cạnh Hanoi Melody Residences, dự án Summit Building (hay còn gọi là The Summit 216) nằm tại số 216 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Công ty Cổ phần Veracity làm chủ đầu tư cũng được môi giới rao bán rầm rộ. Giá dự kiến được các sàn bất động sản chào mời từ 70 triệu đồng/m2.
Dự án này được mở bán năm 2020, tuy nhiên, chậm bàn giao nhiều năm. Hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành xong phần xây dựng thô với mặt ngoài đã được ốp kính.
Từ tháng 7.2021 đến tháng 9.2024, Công ty Cổ phần Veracity đã 6 lần ra thông báo lùi thời gian bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Việc chậm tiến độ và lùi thời gian bàn giao nhà đã khiến nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc. Chị Nguyễn Kim (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ, chị đã mua căn hộ tại dự án từ năm 2020 và đã đóng đến 70% giá trị căn hộ. Chủ đầu tư liên tục lùi bàn giao. Trong khi đó, với chị Kim, một phần tiền đóng cho chủ đầu tư, chị phải vay ngân hàng với lãi suất lên tới 13-14%/năm.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc một số chủ đầu tư tái khởi động dự án bị bỏ hoang là dấu hiệu tích cực của thị trường.
Thực tế này cho thấy thị trường kỳ vọng tháo gỡ ách tắc sau khi 3 luật liên quan bất động sản (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) triển khai.
Nếu được "hồi sinh" thành công, những dự án này không chỉ mang đến cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư, mà còn góp phần giải cơn khát về nhà ở.
Tuy nhiên, việc tái khởi động thành công các dự án đình trệ nhiều năm không đơn giản. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, giá bán tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp, khiến nhiều dự án nhanh chóng "im hơi lặng tiếng".
Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, khi dự án thường xuyên đắp chiếu và chậm bàn giao đã khiến tâm lý khách hàng dè chừng. Người mua cần hết sức thận trọng, tránh bị hấp dẫn bởi các chiêu trò khuyến mại, chiết khấu cao để rồi mạo hiểm xuống tiền cho các dự án đã có vết chậm tiến độ.
Về vấn đề này, chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng, các luật mới chặt chẽ hơn trước đây.
Chính vì vậy, nếu dự án nào vướng về thể chế nên rà soát và có cơ chế để cho dự án đó tiếp tục tái hoạt động. Còn đối với những dự án làm ẩu, không tuân thủ pháp luật nên yêu cầu làm lại từ đầu theo luật mới.