Giá cá tra tiến dần đến mốc kỷ lục thiết lập năm 2018
Giá cá tra có nơi đạt 30.000 đồng/kg do nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu tăng cao. Mức giá này gần sát mốc kỷ lục thiết lập năm 2018.
Theo trang Thời báo Kinh tế Sài Gòn, giá cá tra nguyên liệu đang tăng mạnh nhờ nhu cầu cao. Thậm chí có thương lái trả gần 30.000 đồng/kg, sát mốc kỷ lục năm 2018.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết cá tra nguyên liệu đối với loại từ 850-900 gam/con được Công ty thuỷ sản Biển Đông mua vào với giá 30.000 đồng/kg để bán sang thị trường Mỹ.
Theo vị này, sau hai năm bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến khu vực nuôi thua lỗ rất nhiều, dẫn đến một số đã nghỉ, trong khi số còn lại cũng không phát triển được, cho nên lượng cá nguyên liệu cung cấp cho thị trường không nhiều.
Hiện doanh nghiệp xuất bán cá tra sang thị trường Mỹ có giá khoảng 6 đô la Mỹ/kg. Đây là mức giá cao lịch sử mà ngành hàng này chưa từng đạt được trong quá khứ.
Trong quý đầu năm 2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dự báo có thể xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu trong quý đầu năm nay. Điều này giúp giá cá tra tăng mạnh ngay từ đầu năm.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới sản xuất cá tra nguyên liệu của Việt Nam.
Hơn nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng cá tra; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu trung bình tăng không đáng kể. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam tương đương với năm 2020 với 5.700 ha.
Sản lượng nuôi cá đạt 1,48 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm trước. Các địa phương có diện tích thả nuôi và thu hoạch cá tra lớn nhất Việt Nam vẫn là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang.
H.Mĩ