Giá nguyên liệu liên tục 'nhảy múa'
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), căng thẳng Nga – Ukraine và biến động giá xăng dầu là yếu tố chính khiến giá nguyên liệu thép nhảy múa trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, giá phôi thép trong nước tăng khoảng 1.000 - 1.300 đồng/kg, lên mức 17.100 - 17.300 đồng/kg cuối tháng 3. Trước đó, giá phôi nội địa tháng 2 cũng tăng khoảng 400 - 500 đồng/kg, lên mức 16.100 - 16.300 đồng/kg.
Còn giá phôi thép nhập khẩu giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 108 USD/tấn lên mức 823 USD/tấn ngày 8/4 so với mức giá đầu tháng 3.
Giá thép phế nội địa tăng 1.000 - 1.400 đồng/kg, lên mức13.100 - 14.000 đồng/kg. Còn giá thép phế liệu loại HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 624 USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/4 tăng 44 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, giá than mỡ luyện cốc (hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/4 giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với đầu tháng 3. Trong khi, giá than cốc lại có xu hướng tăng liên tục kể từ quý III/2021 và điều chỉnh mạnh trong tháng 3.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt lại có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 8/4 giao dịch ở mức 155 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm khoảng 1,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3.
Mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (210 - 212 USD/tấn).
VSA nhận định trong tháng 3, thị trường nguyên liệu thép toàn cầu tiếp nối xu hướng tăng giá kim loại chung của thế giới.
Điều này khiến các mặt hàng thép đều có xu hướng tăng giá. Điển hình như giá bán thép xây dựng trong tháng 3 đã tăng 800 - 1.000 đồng/kg kể từ cuối tháng 2, hiện ở mức bình quân khoảng 18.550-18.750 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp và vùng miền cụ thể.
Trước những diễn biến phức tạp của giá nguyên liệu sản xuất thép trong quý I, ngành sản xuất thép trong nước đối mặt với những khó khăn khi giá thép tăng nhanh ở mức cao khiến người sử dụng trong dân dụng và công trình phải cân nhắc tính toán nên có ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, VSA cho rằng trong quý I, kinh tế Việt Nam phục hồi ngày càng rõ nét hơn, tâm lý nhà phân phối tranh thủ đầu cơ hàng hóa trước khi giá lên nhằm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Trung Quốc có thể thiếu thép khi mùa cao điểm xây dựng đang đến gần?
Theo Reuters, hai vấn đề lớn nhất tại Trung Quốc hiện nay là mục tiêu của chính phủ một lần nữa hạn chế sản lượng thép trong năm nay xuống mức thấp hơn năm 2021, đồng thời đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu 5,5% hàng năm.
Thoạt nhìn, lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc về việc giảm sản lượng thép thô vào năm 2022 có vẻ khiến nhu cầu quặng sắt giảm, nhưng có thể giá thép sẽ tăng, đặc biệt nếu thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.
Trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần này phát ngôn viên Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Meng Wei cho biết cơ quan này sẽ đảm bảo tiêu thụ năng lượng và kiểm soát môi trường đáp ứng các yêu cầu.
Bà Meng cho biết: “Mục tiêu là đảm bảo sản lượng thép thô quốc gia sẽ giảm trong năm 2022”. Đồng thời, bà cũng cho biết thêm một số khu vực chính thuộc diện giảm mạnh sản lượng bao gồm Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và đồng bằng sông Dương Tử.
Sản lượng thép trong tháng 3 là 88,3 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng quý I là 243,4 triệu tấn, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai tháng đầu năm chứng kiến sản lượng thép giảm do các biện pháp hạn chế ô nhiễm được áp dụng trước và trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, trong khi việc phong toả nhiều thành phố lớn nhằm kiểm soát dịch dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản lượng vào tháng 3.
Hiện tại, việc phong toả vẫn đang diễn ra ở các thành phố, trong đó bao gồm cả ở một số khu vực sản xuất thép. Điều này có nghĩa là sản lượng trong tháng này và trong quý II nói chung có thể thấp hơn so với mọi năm; trong khi thời gian xây dựng cao điểm mùa hè sắp bắt đầu.
Do đó, một số người tỏ ra lo ngại về khả năng đáp ứng nhu cầu thép trong những tháng cao điểm xây dựng. Các nhà máy sẽ buộc phải nâng công suất để cung ứng đủ lượng hàng cho các công trình.
GDP của Trung Quốc quý I tăng trưởng 4,8%, cao hơn một chút so kỳ vọng của thị trường nhưng thấp hơn so với mục tiêu chính phủ đặt ra do các chính sách phong toả nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Nhìn chung, có vẻ như triển vọng về quặng sắt đang phụ thuộc vào mức độ thành công của Trung Quốc với chiến lược loại bỏ COVID-19, và nếu vậy thì nước này sẽ chi bao nhiêu để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Giá quặng sắt giao ngay tới miền bắc Trung Quốc ở mức 149,80 USD / tấn vào hôm thứ Ba. Mặc dù đã hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào hôm 8/3 (160,3 USD / tấn) nhưng mức giá này vẫn cao hơn tới 72% so với những tháng cuối năm 2021.
Giá quặng sắt tăng mạnh bởi các vấn đề về nguồn cung eo hẹp do thời tiết ở Brazil, quốc gia xuất khẩu số hai thế giới, không được thuận lợi, cản trở quá trình khai thác, vận chuyển. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng khiến nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Tồn kho quặng sắt của Trung Quốc giảm xuống còn 152,9 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 15/4, từ mức cao gần đây là 160,95 triệu trong tuần tính đến ngày 18/2.
Tồn kho thép thanh vằn là 8,95 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 15/4, giảm so với mức cao nhất gần đây là 9,22 triệu trong tuần tính đến ngày 4/3.
Tuy nhiên, kho dự trữ thép cây đang ở mức thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm trong hai năm trước đó.
Điều này cho thấy các nhà máy thép có khả năng phải tăng sản lượng trong những tuần tới.
Vấn đề chính đối với thị trường thép và quặng sắt là thời gian. Giới chuyên gia mong đợi một sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng và chi tiêu xây dựng để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng GDP. câu hỏi đặt ra là khi nào điều này sẽ bắt đầu?
Linh Linh