Giá thép tiếp tục điều chỉnh giảm liên tiếp lần thứ 8: Xuống còn 16 triệu đồng/tấn
Sau 8 đợt giảm liên tiếp, giá thép xây dựng lao dốc xuống còn 16 - 16,6 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại và thương hiệu. VSA dự báo giá thép có thể giảm đến hết quý III/2022.
Ngày 8/7, các thương hiệu thép lớn tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 200.000-310.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 16-16,6 triệu đồng/tấn. Đây là đợt thứ 8 liên tiếp kể từ ngày 11/5, số liệu của Steel Online.
Theo đó, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Hòa Phát hiện sau khi giảm 260.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn, xuống còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn, giảm 210.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.
Ảnh minh họa |
Thương hiệu thép Việt Đức miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn hiện ở mức hơn 16 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 260.000 đồng/tấn có giá 16,5 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Trung, thương hiệu này chỉ giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 giảm 160.000 đồng/tấn ở mức 16,6 triệu đồng/tấn.
Trong số các doanh nghiệp thép, Pomina là thương hiệu giữ được giá thép xây dựng ở mức hơn 17 triệu đồng/tấn.
Sau khi giảm 250.000 - 310.000 đồng/tấn, giá thép cuốn CB230 của Pomina đang ở mức 17 - 17,2 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 17,5 triệu đồng/tấn.
Như vậy, trong 2 tháng, giá thép ghi nhận lần giảm thứ 8 với tổng mức giảm đến hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.
Tuy nhiên, trái ngược với sắt thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng nhẹ so với năm trước.
Với xi măng, nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành xi măng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá cùng với sự cạnh tranh trên thị trường đã khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này suy giảm.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), giá bán xi măng trong nước vẫn đang có sự chênh lệch lớn theo khu vực, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện nay, giá xi măng vẫn đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao.
Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại. Ngoài ra, nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố là giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ. Bên cạnh đó, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho. Các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu thép và giá thép.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng giá thép xây dựng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 7, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III.
Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc, giá nguyên liệu và mùa cao điểm xây dựng đã qua…
Cũng nói về tương lai ngành thép quý II, III, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã dùng hai từ "thê thảm".
"Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm. Đó là vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022", ông Long nói.
Minh Phương