Giá xăng dầu hôm nay 20/8/2022: Lấy lại đà tăng
Ghi nhận vào lúc 6h40 ngày 20/8 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ phục hồi sau loạt dữ liệu kinh tế tích cực được phát đi.
Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 90,34 USD/thùng, tăng 0,23 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 19/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã tăng tới 3,19 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 96,75 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 3,64 USD so với cùng thời điểm ngày 19/8.
Giá dầu tăng mạnh nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ phục hồi sau loạt dữ liệu kinh tế tích cực được phát đi.
Nguồn ảnh: Internet |
Trước đó, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm tới 7,1 triệu thùng, xuống còn 425 triệu thùng. Mức giảm này lớn hơn rất nhiều lần so với con số dự báo giảm 275.000 thùng được đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters.
Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm mạnh 4,6 triệu thùng, cao hơn nhiều mức dự kiến giảm 1,1 triệu thùng được đưa ra trước đó. Đây là một tín hiệu tích cực về triển vọng tiêu thụ năng lượng tại Mỹ.
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy mạnh bởi thái độ thận trọng của OPEC+ về chính sách sản lượng tại cuộc họp tháng 9 tới.
Nguồn cung dầu thô thắt chặt cũng là nhân tố thúc đẩy giá dầu thô tăng mạnh. Theo giới chuyên gia, các lệnh cấm vận của EU với dầu thô đi bằng đường biển của Nga vào tháng 12 và với các sản phẩm dầu mỏ của nước này vào đầu năm 2023 có thể bóp mạnh nguồn cung, đẩy giá dầu tăng cao.
Công ty tư vấn BCA (Vương quốc Anh) dự đoán các lệnh trừng phạt của EU sẽ khiến lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm khoảng 1,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, và con số này sẽ tăng lên 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Với dự đoán như vậy, BCA dự báo giá dầu Brent sẽ lên 119 USD/thùng vào cuối năm nay.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành giá ngày 11/8.
Theo đó, căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu thế giới và định hướng điều hành giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít (kỳ trước là 850 đồng/lít), dầu diesel ở mức 350 đồng/lít (kỳ trước là 450 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (như kỳ trước) và dầu mazut ở mức 716 đồng/kg (kỳ trước là 787 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 22.908 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.320 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Giá dầu tăng 3% do tiêu thụ nhiên liệu mạnh của Mỹ và triển vọng nguồn cung thắt chặt
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty dữ liệu và phân tích OANDA cho biết: "Giá dầu tăng sau một đợt dữ liệu kinh tế ấn tượng khác của Mỹ đã thúc đẩy sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu thô được cải thiện". Moya cũng lưu ý rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không cho phép đà giảm giá dầu gần đây tiếp tục kéo dài thêm nữa.
Tổng thư ký mới của Haitham Al Ghais, nói với Reuters rằng nguyên nhân giá năng lượng tăng cao là do các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp và sự đầu tư không đầy đủ vào lĩnh vực dầu khí, chứ không phải là do OPEC.
Về cuộc họp tiếp theo cấp Bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vào tháng Chín, Tổng thư ký Haitham Al Ghais cho biết OPEC+ "có thể cắt giảm sản lượng nếu cần thiết, chúng tôi có thể bổ sung sản lượng nếu cần thiết. Tất cả phụ thuộc vào cách mọi thứ diễn ra."
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 12/8, so với kỳ vọng giảm thêm 275.000 thùng do xuất khẩu đạt mức kỷ lục 5 triệu thùng/ngày (bpd).
Các lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu dầu của Nga có thể thắt chặt đáng kể nguồn cung và đẩy giá lên trong những tháng tới.
Công ty tư vấn BCA cho biết các lệnh cấm vận của EU sẽ buộc Nga phải đóng cửa sản lượng khoảng 1,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm, tăng lên 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Tuy nhiên, theo Reuters, tài liệu của Bộ Kinh tế Nga dự báo sản lượng và xuất khẩu sẽ tăng cho đến cuối năm 2025, cho biết doanh thu từ xuất khẩu năng lượng sẽ tăng 38% trong năm nay, một phần do sản lượng xuất khẩu dầu cao hơn.
Thu Uyên