Giá xăng tăng tăng kỷ lục chưa từng có: Chuyên gia nói gì?
Dự báo giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều hành chiều nay (23/5) và vượt mức 30.000 đồng/lít - mức giá cao nhất từ trước đến nay. Chuyên gia nói gì?
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật ngày 19/5 với RON 92 là 141,6 USD/thùng; xăng RON 95 là 146,7 USD/thùng, tăng mạnh so với ngày 10/5 (xăng RON 92 là 138,59 USD/thùng, xăng RON95 là 142,6 USD/thùng).
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội nhận định việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng sẽ đẩy giá xăng thành phẩm lên cao, khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước đi lên. Trong kỳ điều hành lần này, xăng khó tránh khỏi tăng giá. Mức tăng bao nhiêu phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý trích lập hoặc chi sử dụng quỹ bình ổn giá nhưng dự đoán trong khoảng 600 - 1.000 đồng/lít. Nếu điều này xảy ra, giá xăng dầu sẽ vượt qua kỷ lục vừa lập trước đó là 30.000 đồng/lít.
Ảnh minh họa |
Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ diễn ra vào ngày 21/5. Tuy nhiên, do kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ, nên được điều chỉnh vào 15h ngày hôm nay 23/5.
Trong kỳ điều hành ngày 11/5, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tăng tất cả các mặt hàng xăng. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít, bán ra 26.650 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Nhà điều hành thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng E5 RON92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít), dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa ngừng trích lập (kỳ trước là 119 đồng/lít) và dầu mazut tiếp tục không trích lập.
Thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu madut ở mức 33 đồng/kg (kỳ trước không chi), các mặt hàng xăng dầu khác không chi.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, diễn biến tình hình kinh tế thế giới đã đẩy giá xăng dầu thế giới lên cao, gây mất cân đối cung cầu và dự trữ của các nước sụt giảm, đặc biệt là do leo thang chính trị giữa Nga – Ukraine.
"Bắt đầu từ ngày 24/2, khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine xảy ra, cộng thêm trừng phạt của Mỹ tới Nga và các nước đồng minh vào lĩnh vực năng lượng của Nga đã đẩy giá xăng dầu tăng cao. Bởi, Nga là thị trường lớn về xăng dầu đang xuất khẩu 5 triệu thùng/ngày. Vì vậy, khi Nga dừng xuất khẩu đã tạo ra đứt gãy tạo ra cung cầu thế giới phức tạp nguy cơ đứt gãy toàn cầu dẫn tới kích giá xăng dầu tăng lên cao", ông Thỏa nói.
Bên cạnh đó, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 bắt đầu có khởi sắc khiến cho nhu cầu về nhiên liệu tăng lên ở mức rất cao. Trong khi đó, nguồn cung không tăng kịp so với nhu cầu dự báo. Theo đánh giá, nhu cầu sử dụng nhiên liệu xăng dầu năm 2022 khoảng 100,23 – 111 triệu thùng, cao hơn năm 2019 khoảng 0,23 – 1 triệu thùng, cao hơn năm 2021 khoảng 3,5 – 4,27 triệu thùng/ngày.
Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, do đó giá xăng dầu thế giới tăng kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng tăng. Đây là nguyên nhân khách quan khiến cho giá xăng dầu trong nước đổ xô mọi kỷ lục – theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm, nguồn cung xăng dầu trong nước bị đứt gãy cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức kỷ lục kể từ đầu năm đến nay.
"Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm tới 30 – 35% thị phần nhưng lại giảm công suất tới 40 – 45%. Qua đây, chúng ta cần đặt ra cả vấn đề về sau này, Nghi Sơn có đảm bảo nguồn cung ổn định hơn không? Chỉ cần Nghi Sơn không giảm công suất, tôi nghĩ thị trường không gặp tình trạng khan hiếm nguồn cung", ông Lực đề cập.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam chỉ ra rằng, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu đang khiến giá xăng dầu trong nước tăng vọt.
"Giá xăng dầu thế giới tăng dẫn tới giá xăng dầu tăng "sốc", mỗi kỳ điều chỉnh tăng giá chúng ta đã tăng khá cao. Đây là do quy định tăng theo chu kỳ (điều chỉnh 10 ngày/lần), nếu giá tăng chu kỳ vào dịp lễ Tết thì Bộ Công thương sẽ điều chỉnh lùi lại cho chu kỳ sau (tức là 20 ngày nữa mới điều chỉnh), trong khi giá dầu thế giới điều chỉnh vận động theo hàng ngày, hàng giờ nên mới gây ra "sốc".
Vì vậy, khi chúng ta tăng giá xăng dầu đi sau thế giới nên giá sẽ phải đuổi theo giá thế giới để kịp theo nhịp tăng trưởng của thế giới mới gây ra hiện tượng tăng giá xăng dầu quá cao gây ra bất ổn", ông Thỏa phân tích.
Cũng theo ông Thỏa, thực tế, điều hành về bình ổn giá, quan hệ cung cầu mất cân đối cung cầu xăng dầu trong nước còn bị động, lúng túng dẫn tới những phản ứng tiêu cực của thị trường như tình trạng găm hàng, giữ hàng để chờ điều chỉnh giá tăng cao mới bán hàng, dẫn đến đứt gãy nguồn cung làm cho tình hình thị trường biến động bất ổn.
"Nếu không sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra câu chuyện bất ổn nếu giá thế giới tăng", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.
Thu Uyên (Tổng hợp)