Lai Châu: Ngăn chặn nạn chặt phá, mua bán cây Đỗ Quyên hoang dã trên núi Putaleng
Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu vừa ban hành văn bản chỉ đạo ngăn chặn nạn chặt phá, mua bán cây Đỗ Quyên hoang dã trên núi Putalen
Ngày 19/2, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, theo phản ánh của người dân, thời gian qua có hiện tượng người dân tại địa bàn các xã Sin Súi Hồ (Phong Thổ), Thèn Sin, Tả Lèng, Giang Ma, Hồ Thầu (Tam Đường) vào rừng phòng hộ Putaleng chặt cành cây hoa Đỗ Quyên về bày cắm, đăng tải lên mạng xã hội rao bán hoặc móc nối bán cho một số đầu nậu gom chở đi tiêu thụ ở tỉnh miền xuôi cho những người chơi cây cảnh.
Ngăn chặn tình trạng chặt cây Đỗ Quyên hoang dã trên núi Putaleng rồi rao bán trên mạng xã hội (Ảnh: CALC) |
Tình trạng trên nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ dẫn tới nguy cơ phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của thảm thực vật Đỗ Quyên tạo cảnh quan đẹp cho quần thể núi Putaleng của địa phương…
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác, đào, chặt các loại cây rừng, đặc biệt là cây hoa đặc hữu Đỗ Quyên trái quy định pháp luật; xử lý nghiêm hành vi hủy hoại rừng…. ngày 19/2, Ban giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã có văn bản chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về cấm khai thác, mua, bán, vận chuyển các loài thực vật quý, hiếm nguy cấp cần phải bảo vệ hiện nay, nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái trong nhân dân.
Các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện đối tượng khai thác, đối tượng đầu nậu thu gom, đối tượng vận chuyển để có phương án phối hợp lực lượng Kiểm lâm kịp thời ngăn chặn, thu giữ, lập hồ sơ xử lý những hành vi vi phạm. Quyết liệt điều tra mở rộng, làm rõ xử lý những hành vi bao che “bảo kê” nếu có.
Theo quy định của pháp luật, hành vi khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thông thường có thể bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc chặt phá thực vật rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội hủy hoại rừng. Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 7-15 năm.