• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền giấy Nhật Bản: Hành trình bất ngờ từ nóc nhà thế giới

Khi Nhật Bản - nơi có hệ thống tài chính phức tạp nhất châu Á - tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô thay thế để sản xuất tiền giấy trong nước, giải pháp được tìm thấy cách đất nước này 5.000km về phía Tây, ở Nepal - một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á nằm ở dãy Himalaya.

Tiền giấy Nhật Bản: Hành trình bất ngờ từ nóc nhà thế giới

Đồng yên Nhật Bản được làm từ giấy có nguồn gốc từ một loài cây trồng ở Nepal. Ảnh: AFP

Giải pháp thay thế mitsumata

Tiền tệ của Nhật Bản được in trên loại giấy truyền thống đặc biệt - mitsumata - mà ở trong nước Nhật Bản không có nguồn sản xuất nữa. Giấy mitsumata bắt đầu với bột giấy từ các loại cây thuộc họ Thymelaeaceae, mọc ở những vùng cao có lượng nắng vừa phải và hệ thống thoát nước tốt như địa hình trồng chè. Dân số nông thôn giảm và biến đổi khí hậu đang khiến nông dân Nhật Bản phải từ bỏ những lĩnh vực cần sử dụng nhiều lao động, trong đó có sản xuất giấy mitsumata.

Đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung, Kanpou Incorporated - công ty sản xuất giấy phục vụ cho Chính phủ Nhật Bản trong các công việc chính thức - đã tìm kiếm nguồn cung thay thế. Chủ tịch của Kanpou khi đó biết rằng, cây để tạo ra giấy mitsumata có nguồn gốc từ dãy Himalaya.

Những cuộc thử nghiệm trồng Thymelaeaceae ở Nepal diễn ra nhiều năm nhưng thất bại. Cuối cùng, trong chương trình từ thiện của Kanpou ở dãy Himalaya vào những năm 1990 để giúp nông dân địa phương đào giếng, nhân viên của công ty có trụ sở ở Osaka cuối cùng đã tìm ra được giải pháp cho vấn đề của Nhật Bản. Nhân viên của Kanpou phát hiện ra Edgeworthia gardneri (hay argeli) - họ hàng cứng hơn Thymelaeaceae - đã phát triển hoang dã ở Nepal, có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất giấy in tiền của Nhật Bản. Việc phải làm là đào tạo nông dân Nepal sản xuất được theo các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản.

Một cuộc cách mạng thầm lặng đã diễn ra sau khi trận động đất năm 2015 tàn phá phần lớn Nepal. Người Nhật Bản cử các chuyên gia đến thủ đô Kathmandu để giúp nông dân Nepal trồng cây để sản xuất giấy. Người Nhật dạy nông dân Nepal cách hấp vỏ cây, tước, đập, căng và sấy khô cũng như dạy các nhà cung cấp Nepal về thời điểm thu hoạch để đảm bảo chất lượng và nguồn vỏ argeli liên tục xuất sang Nhật Bản.

Nông dân Nepal thu hoạch vỏ cây argeli. Ảnh: New York Times

Nông dân Nepal thu hoạch vỏ cây argeli. Ảnh: New York Times

Trao quyền cho nông dân Nepal

Ẩn mình ở dãy Himalaya, những người nông dân kiên cường của Nepal đang cung cấp những nguyên liệu thô quan trọng để in đồng yên của Nhật Bản. Theo New York Times, những chuyển biến này là kết quả của hoạt động giao thương hiếm thấy, trong đó một trong những vùng nghèo nhất châu Á cung cấp nguyên liệu chính cho một trong những vùng kinh tế giàu nhất châu lục.

Việc phát hiện cây argeli đã mãi mãi thay đổi cuộc sống của những người nông dân nghèo Nepal, trong đó có nông dân ở những huyện nghèo như Sindhupalchok, Dolakha, Ilam... New York Times đã thuật lại hành trình của Pasang Sherpa - nông dân sinh trưởng ở phía Đông Nepal - từ trải qua cảnh mất mùa, khó khăn cho tới khi thịnh vượng nhờ chuyển sang trồng argeli cách đây hàng chục năm.

“Tôi chưa từng nghĩ những nguyên liệu thô này sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản hoặc tôi sẽ kiếm được tiền từ loại cây này. Hiện tại tôi thấy hạnh phúc. Thành quả này thực sự bất ngờ khi đến từ chính loài cây trong sân nhà tôi" - ông nói.

Argeli là loại cây bụi thường xanh, có hoa màu vàng, vốn mọc hoang dã ở dãy Himalaya và trước đây những nông dân như ông Sherpa thường trồng làm hàng rào hoặc lấy củi.

Năm 2015, khi mới bắt đầu trồng argeli, ông Sherpa sản xuất được khoảng 1,2 tấn vỏ cây, tự cắt vỏ và chế biến. Năm nay, ông Sherpa thuê 60 người Nepal địa phương thu hoạch vỏ cây và kỳ vọng kiếm được 8 triệu rupee Nepal, tương đương 60.000 USD, tiền lãi. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập trung bình hàng năm ở Nepal là khoảng 1.340 USD.

Ông Sherpa trông đợi năm nay sản xuất được khoảng 20 trong số 140 tấn vỏ cây argeli mà Nepal sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản. Lượng vỏ gây argeli này đủ để chứa đầy 7 container hàng hóa, xuôi dốc đến cảng Kolkata của Ấn Độ, rồi đi tàu 40 ngày tới Osaka, Nhật Bản.

Không chỉ ông Sherpa, dòng doanh thu từ xuất khẩu của argeli đã hồi sinh các cộng đồng người Nepal, đặc biệt là những cộng đồng ở vùng đồi núi và dãy Himalaya. Hoạt động trồng argeli đã trở thành một ngành phát triển mạnh, mang lại sinh kế bền vững và ổn định kinh tế cho nông dân.

Ngoài ý nghĩa kinh tế, việc trồng cây argeli còn bảo tồn di sản văn hóa phong phú của Nepal và thúc đẩy bảo vệ môi trường. Bắt nguồn từ truyền thống sản xuất giấy thủ công hàng thế kỷ, cây trồng này không chỉ tôn vinh di sản của Nepal mà còn đón nhận sự đổi mới hiện đại. Theo tờ The Nepal Times, việc trồng loại cây này góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và khả năng phục hồi hệ sinh thái, tăng cường cân bằng sinh thái trong khu vực.

Hari Gopal Shreshta - Tổng Giám đốc chi nhánh Kanpou ở Nepal, đảm nhận việc giám sát hoạt động buôn bán này - cho biết: “Là người Nepal, tôi cảm thấy tự hào khi quản lý nguyên liệu thô để in tiền của các nước giàu như Nhật Bản. Đây là vinh hạnh của tôi".

Trong khi đó, Tadashi Matsubara - Chủ tịch đương nhiệm của Kanpou - cho biết: “Tôi muốn mọi người biết người Nepal và mitsumata của họ quan trọng như thế nào với nền kinh tế Nhật Bản. Thành thật mà nói, những tờ tiền giấy mới sẽ không thể tồn tại được nếu không có họ".

Nhật Bản sắp phát hành tiền mới

New York Times chỉ ra, người Nhật thích những tờ tiền đẹp mắt với thiết kế trang nhã, tinh tế bằng chất liệu moiré được in trên sợi thực vật dai, màu trắng nhạt thay vì in trên cotton hoặc polymer. Sự gắn bó của Nhật Bản với tiền giấy khiến nước này trở thành một ngoại lệ ở Đông Á. Chưa đến 40% thanh toán ở Nhật Bản được xử lý bằng thẻ, mã hoặc điện thoại. Ở Hàn Quốc, con số này là khoảng 94%. Trên thực tế, Nhật Bản cũng đang có xu hướng giảm tiền mặt. Giá trị của việc lưu hành tiền giấy ở Nhật Bản có khả năng đã đạt đỉnh năm 2022.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản thông tin vào cuối tháng 12.2023, 18,59 tỉ tờ tiền yên đã được lưu hành. Những tờ tiền giấy này nếu được xếp chồng lên nhau một chỗ sẽ cao hơn 1.850km, tức là cao gấp 491 lần núi Phú Sĩ.

Cứ sau 20 năm, đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 3 trên thế giới sẽ được thiết kế lại. Các tờ tiền đang lưu hành hiện nay được Nhật Bản in năm 2004.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhật Bản thông tin, nước này sẽ bắt đầu phát hành tiền giấy 10.000 yên, 5.000 yên và 1.000 yên mới vào ngày 3.7.2024. Tờ 10.000 yên mới sẽ có hình Eiichi Shibusawa - "cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản". Umeko Tsuda - nhà giáo dục tiên phong trong giáo dục đại học cho phụ nữ, sẽ xuất hiện trên tờ 5.000 yên mới trong khi tờ 1.000 yên sẽ tôn vinh nhà vi trùng học Shibasaburo Kitasato, người đã phát triển liệu pháp huyết thanh cho bệnh uốn ván.

Mặt sau của 3 tờ tiền sẽ lần lượt in hình ga Tokyo, hoa tử đằng Nhật Bản và tác phẩm mô tả núi Phú Sĩ của nghệ sĩ ukiyo-e Katsushika Hokusai. Tiền mới cũng bao gồm các hình 3D hologram để ngăn chặn giả mạo - biện pháp lần đầu tiên được sử dụng trên tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào, theo Kyodo News.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...