• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP Đắk Nông

Thời gian qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.

96 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP

Dưới chân núi lửa Nâm Kar, xã Quảng Phú (Krông Nô, Đắk Nông) có một vườn trái ngọt hiện hữu, mang nhiều điều khác biệt không nơi nào có được. Tại đây có 2 sản phẩm OCOP 4 sao quýt đường núi lửa và cam sành núi lửa. Vùng đất này không chịu tác động của con người nên sạch, tự nhiên, phù hợp cho việc phát triển cây trồng hữu cơ. Bên cạnh đó, để sản xuất ra cam sành và quýt đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) sẽ sản xuất sản phẩm theo hướng hữu cơ.

Theo đó, thay vì dùng thuốc để diệt cỏ, chị sẽ nuôi cỏ giúp cây trồng giữ ẩm và khi cỏ chết đi tạo lớp mùn để nuôi lại cây trồng. Chị hoàn toàn dùng phân hữu cơ vi sinh và các loại thuốc được điều chế từ tỏi, gừng, ớt, sả, quế, đương quy… để chăm sóc cây trồng. Để tạo độ ngọt cho cam, quýt, chị sử dụng quả đu đủ, chuối ủ lên men làm phân bón. Hấp thụ dưỡng chất từ nham thạch núi lửa, cam quýt khi chín có độ ngọt dịu rất khác biệt.

Tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP Đắk Nông

Quýt đường núi lửa của HTX nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) đạt OCOP 4 sao

Đến nay, mỗi năm, HTX thu hoạch hơn 150 tấn cam sành, quýt đường và 200 tấn rau, củ. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, sản phẩm được quảng bá thông qua nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nên được các siêu thị bao tiêu với mức giá ổn định.

Theo Sở Công Thương Đắk Nông, đến đầu tháng 5/2024, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm của 78 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao; 2 sản phẩm tỉnh công nhận OCOP 4 sao và đang đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.

Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông được phân chia thành nhiều ngành hàng khác nhau. Ngành hàng thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn nhất, với khoảng 60% tổng số sản phẩm OCOP. Nổi bật như các sản phẩm về cà phê, tiêu, điều, và các loại hạt dinh dưỡng.

Thời gian qua, để tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, Sở Công Thương Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đơn cử, cuối tháng 5 vừa qua, 8 HTX Đắk Nông đã tham gia Chương trình xúc tiến thương mại kinh tế tập thể tại TP. Vinh (Nghệ An). Tại đây, các HTX đã mang đến nhiều sản phẩm đặc sản đạt các tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, hữu cơ trong nước và quốc tế như: cà phê bột, cà phê hạt rang, bột ca cao, socola, hạt mắc ca, hồ tiêu, xoài, bơ, bún gấc, tinh dầu gấc…

Các kênh phân phối của Đắk Nông cũng duy trì việc trưng bày và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương. Đơn cử, siêu thị đang duy trì gian hàng các sản phẩm OCOP. Gian hàng hiện tập trung nhiều sản phẩm như: cà phê, ca cao, mắc ca, tiêu, rượu đông trùng hạ thảo…

Tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Tỉnh Đắk Nông đã cụ thể hóa Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Trung ương bằng việc ban hành Kế hoạch số 653 về việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt hơn 90 sản phẩm, trong đó ít nhất 10% sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao.

Trong đó, tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của Đắk Nông còn hạn chế. Nguyên nhân là nguồn kinh phí dành cho hoạt động này còn thiếu. Việc thiếu sự hiện diện tại các hội chợ, triển lãm và các kênh truyền thông lớn khiến cho sản phẩm OCOP chưa được biết đến rộng rãi. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận thị trường và người tiêu dùng tiềm năng. Sản phẩm OCOP còn manh mún, hạn chế về số lượng nên việc tiêu thụ đều đặn tại các kênh phân phối lớn cũng gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, các Bộ, ngành tỉnh Đắk Nông xác định tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm và chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kiến thức; tổ chức quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương; hỗ trợ về khoa học và công nghệ, nâng cao quy trình; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP...

Vừa qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã mời gọi doanh nghiệp tham gia sự kiện Hội chợ ẩm thực “Món ngon từ biển” và Sản phẩm OCOP, Làng nghề tỉnh Bình Định; Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024; Hội chợ công thương khu vực Nam Trung Bộ - Khánh Hòa năm 2024… Việc tham gia các sự kiện sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm OCOP ra thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết