Tin vui: Giá xăng ngày mai (1/7) sẽ giảm sau 7 lần tăng liên tiếp?
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở TP HCM dự báo nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có thể giảm nhẹ khoảng 150-300 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 200-260 đồng/lít.
Ngày mai (1/7) đến kỳ điều hành tiếp theo của giá xăng dầu. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 với RON 92 là 147,5 USD một thùng, còn RON 95 là 154,77 USD một thùng, giảm nhẹ so với chu kỳ trước.
Tuần qua giá xăng và dầu thế giới giảm 3-5% nhưng 2 phiên gần đây tăng trở lại. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 2,89 USD (+2,51%) lên 118 USD một thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng đắt hơn 2%, lên mức 111,76 USD một thùng. Sang phiên 29/6, giá WTI tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung thế giới bất ổn.
Giá xăng ngày mai được dự báo sẽ quay đầu giảm (Ảnh minh họa) |
Do đó, theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, bình quân giá nhập vào đang giảm khoảng 1-2% so với kỳ trước. Ngày mai, nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm 50-150 đồng một lít, còn dầu giảm khoảng 200 đồng. Ở chiều ngược lại, nếu dùng Quỹ bình ổn, giá xăng và dầu sẽ đi ngang.
Cũng quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng xăng dầu đã tăng liên tiếp nhiều tháng qua nên kỳ điều hành này, nhà điều hành có thể thiên về phương án không trích quỹ để hạ nhiệt. "Nếu tính toán kỹ lưỡng, xăng có thể giảm tối đa 300 đồng một lít", giám đốc một doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội nói.
Như vậy, nếu dự báo chính xác, giá xăng dầu trong nước sẽ bước vào lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng liên tiếp. Song với mức giảm được nhận định khá "nhẹ nhàng", giá mặt hàng này vẫn đang ở "đỉnh" rất cao. Giá xăng dầu tăng cao thời gian qua đè nặng lên áp lực lạm phát.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI tháng 6 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.
Theo cơ quan này, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng.
Trước đó, sau kỳ điều chỉnh ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng từ 380-990 đồng một lít/kg. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 hiện là 31.300 đồng/lít; RON 95-III là 32.870 đồng/lít, dầu diesel 30.019 đồng/lít, dầu hỏa 28.785 đồng/lít, dầu mazut 20.735 đồng/kg.
Từ ngày 21/4 đến nay, xăng đã có 7 lần tăng. Tính tổng cộng, mỗi lít RON 95-III đã tăng thêm 5.560 đồng; E5 RON 92 tăng thêm 4.830 đồng.
Thời gian qua, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, các chuyên gia "sốt ruột" đề nghị phải chủ động giảm thuế để kìm giá xăng dầu, chống lạm phát. Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhưng đề xuất này vẫn còn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Ngày 22/6, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có cuộc làm việc với Bộ Tài kiến nghị giảm thuế tối huệ quốc (MFN) từ 20% xuống 10% hoặc 8% thay vì 12% như đề xuất. Bên cạnh đó, giảm kịch khung thuế môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phản hồi lại kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết trước mắt Bộ đang xin ý kiến để tiếp tục giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường. Còn thuế MFN, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ nghiên cứu có mức giảm hợp lý. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu muốn giảm phải trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.
Thanh Hằng