Xây thương hiệu nhãn Hưng Yên: Đưa ‘vương giả chi quả’ ra thế giới
Từ sản phẩm truyền thống, nhãn lồng Hưng Yên đang trở thành thương hiệu nông sản xuất khẩu nhờ đổi mới kỹ thuật và liên kết chuỗi.
Từng là “lộc phẩm tiến vua”, nhãn lồng Hưng Yên ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành thương hiệu quốc gia, hướng đến thị trường quốc tế. Không còn là câu chuyện của một mùa quả ngọt, hành trình khẳng định vị thế của trái nhãn giờ đây là cả quá trình nâng chuẩn từ gốc rễ: từ kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sâu đến xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số.
Với chiến lược bài bản và sự đầu tư đồng bộ, nhãn lồng Hưng Yên không chỉ giữ vững vai trò đặc sản truyền thống, mà còn vươn lên trở thành sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, đáp ứng tiêu chuẩn cao của các thị trường khó tính.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên để hiểu rõ hơn về những chuyển động chiến lược trong ngành hàng đặc sản này.
Ông Nguyễn Văn Tráng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên trả lời phỏng vấn. Ảnh M.T
Cải tiến để khẳng định vị thế trên thị trường nông sản Việt
- Thưa ông, những cải tiến kỹ thuật đáng kể nào đang đưa giống nhãn lồng Hưng Yên vượt trội hơn về năng suất và chất lượng, nhằm khẳng định vị thế trên thị trường nông sản Việt?
Ông Nguyễn Văn Tráng: Trước hết, chúng tôi cần làm rõ rằng nhãn lồng Hưng Yên không phải là một giống nhãn riêng biệt, mà là một thương hiệu bao gồm 45 giống nhãn quý đã được chọn lọc, bảo tồn và sản xuất. Trong đó, có 2 giống đặc sản là nhãn đường phèn và nhãn cùi cổ.
Trước đây, người dân sản xuất nhãn thường để cây sinh trưởng, phát triển tự nhiên dẫn tới một số diện tích nhãn có hiện tượng ra hoa, đậu quả cách năm, năng suất giảm; việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ gây ra thoái hóa đất, cây sinh trưởng, phát triển kém, chất lượng giảm và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Vì vậy, các sở, ngành liên quan và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nhãn.
Cụ thể, ngay sau khi thu hoạch xong, tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán thông thoáng, kết hợp bón các loại phân chuyên dùng, phân bón hữu để cây phát triển ổn định, lộc thu phát triển tốt làm tiền đề để cây ra hoa ở năm sau;
Áp dụng biện pháp khoanh vỏ, tưới dung dịch KCLO3 giúp nông dân chủ động xác định thời điểm cũng như khả năng cây ra hoa đậu quả; cắt, tỉa chùm quả hợp lý để tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm giảm áp lực nuôi quả cho cây;
Đặc biệt phải kể đến kỹ thuật bón phân nuôi quả bằng phân bón hữu cơ (đậu tương, ngô, cá…ngâm ủ đã qua ngâm ủ, lên men) kết bón bổ sung các loại phân vi lượng giúp cây sinh trưởng, phát triển bền vững; nâng cao chất lượng quả và cải tạo đất trồng; sử dụng các biện pháp tưới đảm bảo đủ ẩm nhằm hạn chế rụng quả non, nứt quả, ổn định năng suất.
Nông dân cũng sử dụng chế phẩm nano bạc - đồng để phòng bệnh, nâng cao mẫu mã quả. Việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và mở rộng vùng canh tác đạt chuẩn VietGAP giúp nâng cao năng suất, mẫu mã và chất lượng quả. Đây là yếu tố cốt lõi để đưa nhãn ra thị trường cao cấp.
- Tuy vậy, hiện nay còn những rào cản nào khiến nông dân khó tiếp cận các công nghệ mới và đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Tráng: Rào cản chủ yếu đến từ 4 yếu tố người lao động lớn tuổi, khó tiếp cận công nghệ; thiếu vốn đầu tư; sản xuất nhỏ lẻ, khó đồng bộ và hệ thống chuyển giao công nghệ còn hạn chế.
Các giải pháp mà chúng tôi đã và đang thực hiện nhằm giải quyết những khó khăn này bao gồm: Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhất là lực lượng lao động có trình độ tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất;
Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hợp tác, sản xuất tập trung (cùng giống, cùng trà vụ) tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật; cơ giới hóa cũng như ứng dụng công nghệ cao;
Tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn, phố biến chuyển giao kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho người sản xuất.
“Kéo dài vòng đời sản phẩm” giúp tăng giá trị gấp 6-8 lần
- Với mùa thu hoạch ngắn, Hưng Yên đã làm gì để giải bài toán bảo quản và chế biến nhãn?
Ông Nguyễn Văn Tráng: Hưng Yên là vùng trồng nhãn trọng điểm của miền Bắc với diện tích khoảng 5.000ha, sản lượng nhãn hàng năm đạt từ 40.000–50.000 tấn, nhưng mùa vụ thu hoạch chỉ tập trung trong khoảng 1-1,5 tháng (từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9). Điều này gây áp lực lớn trong tiêu thụ và bảo quản.
Vì vậy, chúng tôi tập trung 4 giải pháp: Tập huấn công nghệ bảo quản, chế biến cho nông dân; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, nhà sơ chế, lò sấy long, hệ thống quản lý chất lượng HACCP/ISO; Khuyến khích chế biến sâu: long nhãn, trà long nhãn, bánh, rượu, chè từ long nhãn…;
Kết nối doanh nghiệp - nông dân - nhà khoa học để đảm bảo sản phẩm đa dạng, an toàn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng;
- Trên thực tế, công nghệ sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị kinh tế của nhãn Hưng Yên như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tráng: Nhãn tươi chỉ thu hoạch trong 2-3 tháng, nay nhờ bảo quản có thể kéo dài được 4-5 tháng giảm áp lực mùa vụ. Long nhãn trước bảo quản được 5-6 tháng nay có công nghệ máy móc có thể bảo quản 1-2 năm vẫn giữ được hương vị, màu sắc của sản phẩm.
Công nghệ hiện đại giữ hương vị truyền thống, nâng tầm thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Phương Cúc
Nhãn tươi để chế biến có giá bình quân giao động từ 20.000-30.000 đ/kg, trong khi long nhãn có thể đạt 400.000 -500.000 đ/kg, giá trị gia tăng gấp 6-8 lần so với bán nhãn tươi, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao thu nhập cho nông dân.
Công nghệ cũng mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nông dân. Nhờ áp dụng công nghệ sấy bằng lò điện, sấy lạnh, kết hợp kỹ thuật bảo quản, khoảng 80% sản phẩm long nhãn được xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, và đang mở rộng sang các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, EU, Mỹ…
Áp dụng công nghệ hiện đại cũng giúp chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà giữ nguyên được hương vị nhãn truyền thống - yếu tố quan trọng để tiếp tục gìn giữ thương hiệu, mở rộng xây dựng thương hiệu quốc gia.
Nhờ chuỗi chế biến, bảo quản đạt chuẩn quốc tế, kết hợp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thì Hưng Yên hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trồng nhãn và chế biến nhãn xuất khẩu hàng đầu cả nước.
Chuẩn hóa từ vườn đến thương hiệu quốc gia
- Sự đầu tư vào khoa học kỹ thuật có ảnh hưởng rõ rệt như thế nào đến giá trị thương hiệu “nhãn lồng Hưng Yên” trên thị trường trong nước và quốc tế?
Ông Nguyễn Văn Tráng: Thứ nhất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác như chọn tạo giống, nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, cắt tỉa, chăm sóc giúp nhãn lồng Hưng Yên có năng suất cao, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng quả đồng đều, ổn định, ít sâu bệnh.
Thứ hai, tăng năng suất và khả năng cung ứng. Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp giải mùa vụ, chủ động hơn về thời gian sinh trưởng và sản lượng tiêu thụ sản phẩm.
Thứ ba, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến rau quả an toàn nói chung và quả nhãn nói riêng theo VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP… xây dựng các quy trình sản xuất, quy trình truy xuất nguồn gốc nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.
Thứ tư, chế biến, đóng gói, bảo quản và logistics. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình bảo quản sau thu hoạch như: dùng công nghệ chiếu xạ, cấp đông sâu, bao gói khí quyển điều chỉnh (MAP)…giúp kéo dài thời gian bảo quản, giúp nhãn giữ được độ tươi ngon, chất lượng sản phẩm.
Thứ năm, xây dựng và định vị thương hiệu. Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế logo, bao bì chứa đựng sản phẩm, tự công bố sản phẩm; ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh kết nối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của Trung ương góp phần minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
- Xin cảm ơn ông!