Bắc Ninh Kiểm soát chặt các nguồn thải tại các cụm công nghiệp
Để kiểm soát chặt nguồn thải trong các cụm công nghiệp (CCN), tỉnh Bắc Ninh sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng cấp phép mới những dự án gây ô nhiễm môi trường.
8/26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh đã thành lập được 37 trong tổng số 39 CCN có trong quy hoạch, trong đó, có 26 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Được biết, có 7 CCN do UBND cấp xã làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 76,31 ha; các CCN do Ban quản lý CCN thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nay đã giải thể) có 9 CCN với diện tích 324,87 ha; 21 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích 721,46, trong đó, có 10 CCN đi vào hoạt động và thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Toàn cảnh Cụm công nghiệp Phú Lâm ở Bắc Ninh chưa đảm bảo các biện pháp kiểm soát nguồn thải (Ảnh: ND) |
Ông Lưu Bảo Trung - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh - cho biết, trong số 26 CCN đã đi vào hoạt động, chỉ có 8 CCN đã triển khai xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung. Để kiểm soát các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các CCN, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành một số chủ trương và giải pháp, như xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN (hoặc vận dụng nội dung trong Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 14/01/2020) để xử lý vấn đề môi trường CCN. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị thứ cấp hoạt động trong CCN chưa có nhà máy xử lý tập trung phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đảm bảo đạt tiêu chuẩn để xả thải theo quy định mới được phép hoạt động.
Đối với các CCN mới thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật CCN, đặc biệt là phải có khu xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới được cho nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất thực hiện dự án. 'Hạn chế tiến đến dừng việc cấp giấy phép mới các dự án sản xuất nguyên vật liệu phát thải gây ô nhiễm môi trường cao như: Phôi thép, nguyên liệu tái chế giấy, nguyên liệu có nguồn gốc vật liệu gây ô nhiễm, sơ chế nguyên liệu tái chế tập trung’ - ông Lưu Bảo Trung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trước khi thuê đất trong CCN phải được các sở quản lý chuyên ngành thẩm định chặt chẽ từ dây chuyền công nghệ máy móc, thiết bị sản xuất, phương án bảo vệ môi trường và phải có chế tài xử lý kịp thời khi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Theo ông Lưu Bảo Trung, các chính sách mới được ban hành và áp dụng bám sát với định hướng phát triển bền vững CCN gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, hiện tại, tỉnh đang xây dựng các quy hoạch có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu diện tích mặt bằng để đầu tư sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực khác của địa phương. Đồng thời, phát triển CCN có tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực và có sự tương đồng về mục tiêu ngành nghề với các CCN lân cận; gắn với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Ưu tiên phát triển cụm công nghiệp với tiêu chuẩn như khu công nghiệp
Ngày 08/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1589/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tại Quy hoạch, quan điểm phát triển các CCN của Bắc Ninh là giữ ổn định các CCN đang hoạt động, đã được thành lập do doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích nếu có điều kiện, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và phù hợp với các quy hoạch hiện có ở khu vực.
Bắc Ninh sẽ ưu tiên phát triển các Cụm công nghiệp theo tiêu chuẩn Khu công nghiệp (Ảnh: Thanh Bình) |
Đồng thời, chuyển đổi các CCN diện tích nhỏ, không còn phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển đô thị, không khai thác được lợi thế của tỉnh, không đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường. Quy hoạch mới các CCN chuyên ngành, đa nghề, làng nghề thực sự cần thiết tại các vị trí địa điểm phù hợp, với diện tích tối đa 75 ha, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện tiếp nhận các nhà máy phải di dời từ các CCN thực hiện lộ trình dừng hoạt động; chuyển đổi, phát triển mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của CCN. ‘Tỉnh Bắc Ninh chủ trương phát triển các CCN gắn với chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho ngành nông nghiệp; đồng thời, hình thành các CCN hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Định hướng quy hoạch ổn định, chuyển đổi và phát triển CCN giai đoạn năm 2031 - 2050, phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh" - ông Lưu Bảo Trung khẳng định và nhấn mạnh, Bắc Ninh sẽ ưu tiên phát triển CCN với tiêu chuẩn như KCN, không phát triển các CCN manh mún với diện tích nhỏ hơn 20 ha.
Tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện xử lý môi trường triệt để, hạn chế tối đa các nguồn thải gây ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, không khí và tiếng ồn đối với khu vực phụ cận; giám sát chặt việc thực hiện xử lý môi trường. Phát triển hệ thống làng nghề truyền thống và làng có nghề tại các xã nông thôn, điểm làng nghề mới được tổ chức phát triển sản xuất gắn với dịch vụ du lịch, xử lý các vấn đề môi trường... Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cụm CN; phân bố không gian phát triển các CCN hợp lý; xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN và tổ chức chuyển đổi các CCN trên địa bàn theo lộ trình.
Ông Lưu Bảo Trung - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh: Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ giữ ổn định khoảng 17 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp với tổng diện tích 663,78 ha; chuyển đổi 16 CCN với diện tích 376,79 ha, đồng thời mở rộng diện tích 6 CCN với tổng diện tích tăng thêm 149,06 ha; quy hoạch mới 7 CCN với diện tích 410 ha. |