• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển tiền từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Từ ngày 1/12, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế từ 1.000 USD trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại Thông tư 09/2023 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chính thức ban hành.

Cụ thể, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giữ nguyên mức báo cáo từ 300 triệu đồng để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị của FATF là 15.000 USD, tương đương khoảng 375 triệu đồng.

Chuyển tiền từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Chuyển tiền từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Với chuyển tiền điện tử quốc tế ra - vào Việt Nam, trị giá từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giao dịch tương đương cũng phải báo cáo.

Nội dung thông tin báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn khá chi tiết.

Theo đó, về thông tin của tổ chức tài chính khởi tạo và thụ hưởng, thông tin báo cáo gồm tên giao dịch của tổ chức hoặc chi nhánh giao dịch; địa chỉ trụ sở chính (hoặc mã ngân hàng đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, mã SWIFT đối với chuyển tiền điện tử quốc tế); quốc gia nhận và chuyển tiền.

Thông tin về khách hàng là cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có); quốc tịch (theo chứng từ giao dịch).

Thông tin về khách hàng là tổ chức tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (nếu có); địa chỉ trụ sở chính; số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; quốc gia nơi đặt trụ sở chính.

Thông tin về giao dịch gồm số tài khoản (nếu có); số tiền; loại tiền; số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (nếu loại tiền giao dịch là ngoại tệ); lý do, mục đích giao dịch; mã giao dịch; ngày giao dịch;…

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, riêng các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo gồm giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.

Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đối tượng báo cáo thiết lập đường truyền, kết nối mạng truyền tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua Cục Công nghệ thông tin để gửi báo cáo, thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Đối tượng báo cáo phải gửi báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trước 16 giờ ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày phát sinh giao dịch. Nếu ngày gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, chế độ báo cáo về giao dịch chuyển tiền điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12 năm nay.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...