Cử tri đề nghị xử lý nghiêm hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch để trục lợi
Ban Dân nguyện vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 4 - 11/1. Báo cáo có nêu lên một số vấn đề nổi cộm liên đến các hoạt động kinh tế, đời sống, xã hội được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm.
Tránh tình trạng áp dụng rập khuôn các biện pháp phòng, chống dịch
Mặc dù đánh giá cao sự tập trung quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, song cử tri và nhân dân cho rằng, Chính phủ cần thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch để xử lý tốt hơn các vấn đề kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, không gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến nền kinh tế; tránh tình trạng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch rập khuôn, kém linh hoạt và thiếu nhất quán giữa Trung ương và địa phương cũng như cách làm thiếu thống nhất giữa các địa phương khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Cử tri lo lắng về tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, các ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng cao, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.
Đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt
Báo cáo cũng nêu lên sự băn khoăn, lo lắng của cử tri, nhân dân trước tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản tiếp tục ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19) đang gây nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, Trung Quốc có quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có nhiều nội dung mới, thắt chặt hơn liên quan đến nhiều mặt hàng nông sản, nguy cơ hàng hóa, nhất là nông sản trong nước không xuất được sang thị trường này. Trong khi trong nước thiếu những giải pháp căn cơ để phát huy thị trường nội địa đảm bảo đầu ra cho nông sản, vẫn còn tình trạng tự phát trong sản xuất, xuất khẩu nông sản dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá và rất bị động ở khâu tổ chức đầu ra cho sản phẩm, khiến người dân và doanh nghiệp hết sức lo lắng, thiếu biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Trước tình trạng trên, cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có các giải pháp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu
Có chính sách kịp thời tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm nhân lực cho doanh nghiệp
Cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền đã luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cử tri còn lo lắng, phản ánh.
Đơn cử như tình trạng xin rút bảo hiểm xã hội một lần đang gia tăng, mặc dù đây là quyền của người lao động nhưng việc có quá nhiều trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần cũng ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người lao động; ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.
Cử tri lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình việc làm trong quý III và 9 tháng năm 2021. Diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho số lượng người lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện; số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao.
Bên cạnh đó, cử tri còn phản ánh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động... bị ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 là đúng đắn, kịp thời nhưng các điều kiện, yêu cầu để được hưởng các chính sách rất khó khăn, trở thành “rào cản” cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.
Từ thực trạng trên, cử tri kiến nghị Chính phủ kịp thời có chính sách tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm nhân lực cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nhiễm SARS-CoV-2 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội; có giải pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tránh việc thành gánh nặng cho người lao động; hạn chế tình trạng thanh toán bảo hiểm xã hội một lần đang có biểu hiện gia tăng nhằm bảo quyền lợi lâu dài của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.
Thông tin kịp thời, rộng rãi về biến thể mới Omicron
Các đại biểu dự Phiên khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Cử tri phản ánh, số lượng ca mắc mới tăng nhanh khiến công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực có trình độ cao nên bệnh nhân dễ có khả năng chuyển sang mức độ nặng và nguy kịch nếu không được chăm sóc kịp thời. Điều kiện, cơ sở vật chất trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly cũng hạn chế, thiếu thốn nhiều. Trong khi đó, ngành y tế các địa phương đang quá tải, nguồn nhân lực và vật lực của hệ thống y tế còn hạn chế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra, chưa đảm bảo điều kiện thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Một số nơi bác sĩ, cán bộ y tế xin nghỉ việc do sức ép lớn về tâm lý và công việc, điều kiện đảm bảo chưa tốt, mức lương và thu nhập còn thấp, cuộc sống khó khăn.
Trước tình trạng trên, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hệ thống y tế nhằm đối phó hiệu quả dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron; đồng thời, cần thông tin kịp thời, rộng rãi về biến thể mới, về mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan cũng như có kế hoạch ứng phó linh hoạt; quan tâm hơn nữa đến cơ chế chính sách cho cán bộ y, bác sĩ, người lao động trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch, bên cạnh giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, trước mắt cần có biện pháp ngay để hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết tại cơ sở và các địa phương hiện nay; khẩn trương tổ chức tiêm vaccine mũi bổ sung, tăng cường cho nhân dân nhất là nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Lo lắng việc học sinh, sinh viên phải học trực tuyến thời gian dài
Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong thời gian qua, đồng tình và ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các địa phương giảng dạy và học trực tuyến thông qua Internet, trên truyền hình, tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập.
Tuy nhiên, việc học trực tuyến như hiện nay cũng gặp không ít khó khăn do hạ tầng công nghệ yếu kém, do còn không ít gia đình thiếu trang thiết bị cho việc học online, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, những hộ gia đình khó khăn; một số học sinh còn thiếu tập trung trong quá trình học nên không hiểu bài; việc kết nối đường truyền học trực tuyến nhiều lúc, nhiều nơi không được tốt, việc học lâu dài trên máy vi tính, điện thoại sẽ ảnh hưởng thị giác học sinh, một số gia đình cha mẹ đi làm không thể theo sát học sinh khi tự học ở nhà (nhất là học sinh bậc tiểu học)... Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng còn băn khoăn về hiệu quả của việc học trực tuyến; nhiều phụ huynh lo lắng việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài ảnh hưởng đến chương trình, nội dung kiến thức học tập và kết quả năm học.
Nhiều cử tri băn khoăn và cho rằng học trực tiếp tại trường, nhất là đối với độ tuổi chưa được tiêm phủ vaccine, sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao do các cháu còn nhỏ nên chưa có ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Bức xúc vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19
Cử tri và nhân dân rất bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và CDC một số tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm, thu lợi nhuận bất chính. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Do đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc và thông báo cho người dân.
Cử tri phản ánh, thời gian qua trong lĩnh vực y tế có nhiều vấn đề đáng quan tâm, như: Việc lợi dụng công tác phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nâng khống giá vật tư, thuốc, thiết bị y tế để trục lợi. Việc đội giá bất thường của các loại thuốc, nâng giá các dụng cụ y tế trong các bệnh viện, đại lý thuốc... làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là đối với các gia đình có người ốm đau, bệnh tật, gây dư luận bức xúc trong xã hội.
Ngoài các vấn đề nổi cộm như trên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm đến một số vấn đề khác như: Tình trạng sốt đất ảo, thông thầu, bắt tay ngầm trong các cuộc đấu giá đất, gây nhiễu loạn thị trường; tình hình tội phạm gia tăng trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em không may bị mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19 gây ra, cùng với quan tâm, nghiên cứu, dự báo và sớm có giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.
Việt Đức/TTXVN