• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô.

Hỗ trợ công nhân, người lao động vay mua nhà ở xã hội

Sáng 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Dự thảo Luật được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Dự thảo quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Để giải quyết các khó khăn, bất cập hiện nay khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thì phường không còn là một cấp ngân sách, dự thảo Luật bổ sung quy định dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh...

Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, ông Lê Thành Long cho hay, để góp phần chuẩn hoá, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, Điều 16 quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.

Thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn.

Do vậy, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản - ông Long nêu.

Bên cạnh đó, Điều 28 dự thảo Luật quy định về các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội cho nhiều đối tượng như hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách của thành phố Hà Nội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp.

Đặc biệt, khoản 4 Điều 28 quy định về việc tổ chức khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi - đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Thành phố đối với người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

"Quy định này góp phần ngăn chặn bệnh tật từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi thành phố Hà Nội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét về tăng biên chế

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về việc tăng thêm biên chế (điểm d khoản 1 Điều 10), Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, quy định của dự thảo Luật về nội dung này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho thành phố Hà Nội là của cơ quan nào.

Hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị; vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.

Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào Luật.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII) thì việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm.

Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...