Đồng Tháp: Chủ động phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2025
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2025. Đồng thời, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư nạo vét, khơi thông các kênh rạch bồi lắng, cạn kiệt, đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước ngọt tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt người dân trong mùa khô năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2025; bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước; khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày sử dụng ít nước, chịu hạn phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương. Địa phương đẩy mạnh, nhân rộng ứng dụng khoa học công nghệ cho các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có hiệu quả cho cây trồng trên địa bàn.
Các ngành chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, tài nguyên nước để cung cấp thông tin giúp các địa phương và người dân kịp thời triển khai các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt trong các tháng nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trên địa bàn tỉnh dự kiến các khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước gồm có 9 xã thuộc 3 huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười; các khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn gồm 14 xã thuộc 3 huyện Tháp Mười, Châu Thành, Lai Vung.
Để chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra các giải giải pháp như: Chủ đầu tư khẩn trương thi công nạo vét cung cấp nước kịp thời cho hệ thống kênh, rạch nội đồng đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; nhất là các vùng quy hoạch cây trồng trọng điểm và vùng có địa hình cao gặp khó khăn về nguồn nước trong quý I/2025.
Các sở, ban, ngành tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo hằng tuần về tình hình thủy văn, nguồn nước, chủ động lịch thời vụ xuống giống vụ Hè Thu năm 2025 theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bố trí lịch bơm tưới hợp lý nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô năm 2025.
UBND cấp huyện bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương; từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp, các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, rà soát quy hoạch phát triển vùng cho các giống cây trồng mới chất lượng cao chịu được hạn, mặn; đề án phát triển nông nghiệp bền vững.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường quan trắc, giám sát nâng cao chất lượng dự báo khả năng xâm nhập mặn. Lực lượng phối hợp tăng cường thêm nhiều điểm đo độ mặn tại các huyện Châu Thành và Tháp Mười, Lai Vung để kịp thời phát hiện có độ mặn cao trong nguồn nước trên các sông kênh rạch; thông báo kịp thời cho ngành chức năng, người dân biết để có biện pháp ứng phó cho cây trồng, vật nuôi, nhất là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.../.
Nguyễn Văn Trí