Đưa Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận vào hoạt động thử nghiệm
Ngày 21/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết đang triển khai sử dụng thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận. Thời gian sử dụng thử nghiệm bắt đầu từ tháng 11/2024 đến hết tháng 1/2025.
Theo đó, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là IOC Bình Thuận) đã được xây dựng hoàn thành các chức năng chủ yếu của các phân hệ, đảm bảo điều kiện triển khai sử dụng thử nghiệm gồm: hệ thống phản ánh hiện trường, điều hành lĩnh vực hành chính công, điều hành lĩnh vực y tế, điều hành lĩnh vực giáo dục, điều hành kinh tế - xã hội, giám sát thông tin trên môi trường mạng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị theo dõi, tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thử nghiệm; theo dõi, đánh giá và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh đối với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần theo dõi để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thông qua dữ liệu của Trung tâm.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu, đề xuất việc kết nối, tổng hợp các nguồn dữ liệu hiện có trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cung cấp dữ liệu cho Trung tâm; chủ động làm việc, trao đổi với các sở, ngành có liên quan để đảm bảo nguồn dữ liệu.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước thời gian qua của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được một nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh Bình Thuận, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tỉnh đã phát triển dữ liệu dùng chung, chuyên ngành gắn với kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia, một số cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã được xây dựng, sử dụng như: Thủ tục hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; hộ tịch; đất đai; quy hoạch chuyên ngành...
Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được xây dựng, phát triển hoàn thiện và khai thác, sử dụng hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đổi mới phương thức làm việc. Song song đó, tỉnh đã phát triển dữ liệu công dân số, đạt được một số kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển xã hội số. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Theo nhận định của ngành chức năng, xây dựng đô thị thông minh là việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trên tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, lợi ích thiết thực nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh; các dịch vụ công, thông tin chính sách của chính quyền đều được cung cấp qua môi trường mạng, được tự động hóa khi xử lý, giúp xử lý hiệu quả, nhanh chóng những yêu cầu, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp.
Cuối năm 2022, Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã được đưa vào vận hành với 9 phân hệ gồm: Phản ánh hiện trường; báo cáo kinh tế - xã hội; giám sát thông tin báo chí, truyền thông trên không gian mạng; camera giám sát an ninh trật tự; camera giám sát vi phạm an toàn giao thông; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục - đào tạo; giám sát hành chính công; du lịch thông minh.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh thành phố Phan Thiết đã phát huy nhiều hiệu quả, đạt hơn 20.000 lượt cài đặt ứng dụng, hơn 4.000 tài khoản được người dân tạo trên ứng dụng. Song song đó, công tác triển khai xử lý phản ánh đảm bảo thời gian nhanh nhất: có 1.104 phản ánh, xử lý hoàn thành 1.025 phản ánh, 79 phản ánh đang trong quá trình xử lý; số lượng đánh giá hài lòng đạt 834 lượt, chiếm 85%./
Nguyễn Thanh