• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội dồn sức hoàn thành các tiêu chí để đưa 4 huyện lên quận

Từ nay đến năm 2025, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận. Trong đó, sẽ hoàn thiện đề án đưa Hoài Đức lên quận trước, sau đó đến Thanh Trì (dự kiến năm 2024), Đan Phượng (hoàn thiện đề án vào năm 2025).

Hà Nội dồn sức hoàn thành các tiêu chí để đưa 4 huyện lên quận

Hạ tầng giao thông tại thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hanoi.gov.vn

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có thêm 5 huyện lên quận gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội có thêm 3 huyện lên quận gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh. Trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023.

Ngày 4.7 vừa qua, với 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND TP Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng, diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn hiện có. Đề án sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023.

Bản đồ vị trí các xã khi thành lập phường trong đề án huyện Động Anh lên quận. Ảnh: UBND huyện Đông Anh

Bản đồ vị trí các xã khi thành lập phường trong đề án huyện Động Anh lên quận. Ảnh: UBND huyện Đông Anh

Theo UBND huyện Hoài Đức, để trở thành đơn vị hành chính cấp quận, huyện Hoài Đức hiện còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, đất cây xanh công cộng, cơ sở y tế cấp đô thị và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, với các tiêu chí chưa đạt của xã, thị trấn, huyện sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chí thành lập phường đối với các xã.

Trong đó tập trung vào các tiêu chí còn thiếu như cơ sở hạ tầng thương mại (2 chợ, siêu thị, cửa hàng dịch vụ trung tâm, trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa). Đất xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao (1m2/người); đất cây xanh sử dụng công cộng (2m2/người)…

Ngoài ra, huyện đang tập trung triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024 như đường Vành đai 3,5; đường Liên khu vực 1; đường Liên khu vực 8; đường Lại Yên - Vân Canh; đường ĐH 02; đường Liên khu vực 6.

Riêng trong năm 2023, Gia Lâm tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng để đáp ứng đủ tiêu chí huyện lên quận và xã lên phường.

Cuối tháng 3.2023, các sở ngành của TP Hà Nội chấm điểm huyện Gia Lâm đạt được mức "tối thiểu" để thành lập quận. Cụ thể, với nhóm cơ sở hạ tầng đô thị, huyện Gia Lâm đạt 24/25 tiêu chí.

Riêng với huyện Đan Phượng, định hướng phát triển của huyện thời gian tới theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến. Do đó xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cần đồng bộ với các tiêu chí phát triển xã thành phường, huyện lên quận.

Tại buổi tiếp xúc cử tri hồi cuối tháng 6.2023, cử tri kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để Đan Phượng hoàn thành các tiêu chí đáp ứng yêu cầu lên quận trong thời gian tới.

Với huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đã phân tích, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của huyện Thanh Trì. Theo đó, Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, hiếu học.

Tuy nhiên, Thanh Trì có hạn chế về hạ tầng giao thông; tốc độ đô thị hoá không theo quy hoạch làm gia tăng dân số cục bộ ở một số địa bàn, gây ra gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật của huyện; hạ tầng văn hoá, giáo dục còn hạn chế nên đời sống văn hoá tinh thần còn khó khăn, chênh lệch.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong lưu ý huyện Thanh Trì cần dự báo việc gia tăng quy mô dân số khi lên quận. Bởi, việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hoá, lối sống, nhất là các làng xã cổ truyền.

Hà Nội hiện có 12 quận, 17 huyện và thị xã Sơn Tây. Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định quận phải đảm bảo 27 tiêu chí như: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; Diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; Số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định…

Để lên quận, các huyện ngoại thành Hà Nội phải tập trung nguồn lực đáp ứng 27 tiêu chí theo quy định. Trước đó, các sở, ngành của TP Hà Nội chấm điểm Hoài Đức đạt 22 tiêu chí, Thanh Trì đạt 24 tiêu chí, Đan Phượng đạt 21 tiêu chí thành lập quận.


Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/ha-noi-don-suc-hoan-thanh-cac-tieu-chi-de-dua-4-huyen-len-quan-1214684.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...