• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách

Nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đang bị chậm, thậm chí không được triển khai nhiều năm không vận hành.

Sau gần 10 năm, đề án xử lý nước thải cụm công nghiệp vẫn dở dang

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp đang là bài toán nan giải đối với nhiều địa phương trên cả nước. Thực tế cho thấy, các cụm công nghiệp đang được khai sinh với tốc độ nhanh nhưng lại chưa đi đôi với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng về môi trường. Không ít những cụm công nghiệp vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng và bỏ qua việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp, nên chưa có sự phối hợp trong quản lý và xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường.

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách

Hệ thống xử lý nước thải tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà bị bỏ hoang đang xuống cấp

Theo số liệu thống kê, đến nay Hà Nội đã thành lập được 104 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.262 ha, trong đó có 52 và 52 cụm công nghiệp làng nghề. Hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 1.600 ha. Trong đó đã có 41 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải, 29 cụm công nghiệp sẽ được đầu tư trạm xử lý nước thải tại giai đoạn 2. Trong số 41 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung có 30 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 25 cụm công nghiệp đã đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệpnhưng chưa quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải. Một số cụm công nghiệp thậm chí còn không có hệ thống xử lý nước thải mà đổ trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư sống tại khu vực lân cận.

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách

Trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết những tồn tại trong công tác xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng kết quả đạt được thì không được như kỳ vọng. Có một thực tế là nhiều hệ thống xử lý nước thải dù được đầu tư tiền tỷ, nhưng không hoạt động hay có hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả. Cũng có hệ thống đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng nhưng chưa lắp đặt thiết bị do lượng nước thải ít, chờ đấu nối,…

Trước đó vào tháng 12/2013, UBND TP. Hà Nội phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015. Theo kế hoạch của đề án, trong 2 năm, 16 cụm công nghiệp được thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, năm 2014 xây dựng, vận hành 7 cụm công nghiệp và năm 2015 là 9 cụm công nghiệp. Nguồn vốn thực hiện đề án từ ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vậy nhưng, sau gần chục năm thực hiện đề án, nhiều hệ thống xử lý nước thải đã hoàn thiện nhưng đến nay vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” và là nơi chăn thả gia cầm. Đơn cử, hệ thống xử lý nước thải tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà (huyện Đan Phượng) dự kiến công suất 500m3/ngày/đêm, hệ thống xử lý nước thải Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) dự kiến công suất 1.000m3/ngày/đêm, hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) dự kiến công suất 1.000m3/ngày/đêm,…

Điều đáng nói, đa số những hệ thống xử lý nước thải này lại đối mặt với việc “thiếu nước thải” để vận hành thử và đưa vào hoạt động. Trong khi các hệ thống thu gom, bể chứa, bể lắng, lọc khô, nhà vận hành và hàng rào bảo vệ được xây dựng hoành tráng nay sắt thép đã hoen gỉ, xuống cấp cùng thời gian. Việc này có nguy cơ gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. Bởi, chỉ tính riêng 9 hệ thống xử lý nước thải được đầu tư dự kiến trong năm 2015, tổng vốn đầu tư khái toán đã là 65,55 tỷ đồng (kinh phí xây dựng 45%, kinh phí lắp đặt thiết bị 55%).

Được biết, liên quan đến quá trình thực hiện đề án trên, tháng 6/2022, Sở Công Thương Hà Nội đã gửi công văn đến chủ đầu tư các dự án xử lý nước thải, yêu cầu báo cáo về tình hình hoạt động của đề án nêu trên.

Theo Báo cáo số 426/BC-UBND ngày 29/6/2022 của UBND thị xã Sơn Tây, về việc thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh, do một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã thay đổi kinh doanh nên lượng nước thải xả vào hệ thống chung của cụm công nghiệpthấp hơn nhiều so với lúc đầu triển khai dự án, nên không có nước để vận hành chạy thử trạm xử lý. UBND thị xã Sơn Tây cũng kiến nghị Sở Công Thương nghiên cứu, xem xét báo cáo Thành phố cho phép trạm xử lý nước thải Phú Thịnh lấy thêm nguồn nước thải sinh hoạt của nhân dân trong khu vực để xử lý trước khi đổ ra môi trường.

Theo văn bản báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, trước đó đơn vị này đã xin giãn hoãn tiến độ lắp đặt thiết bị cho dự án để tránh lãng phí. UBND huyện Đan Phượng cho biết, do đặc điểm ngành nghề sản xuất của cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà chuyên sản xuất đồ mộc, nên lượng nước thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt được thoát ra theo hệ thống rãnh tiêu thoát chung của làng nghề. Do đó, lượng nước thải thất thoát trong quá trình thu gom về trạm xử lý, lượng nước thải hiện tại dẫn ra trạm là rất ít.

Trong khi nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp vẫn còn đang thi công dở dang và thực trạng “đói” nước thải, thì nếu muốn những công trình này đi vào vận hành cần phải đầu tư hàng tỷ đồng nữa để lắp đặt thiết bị, hoặc đầu tư bổ sung các hạng mục,…Và khi đó, một bài toán đặt ra là nguồn kinh phí sẽ lấy ở đâu và liệu rằng việc tiếp tục đầu tư vào những hệ thống xử lý nước thải này có còn khả thi hay không?

Giải pháp nào để tránh lãng phí ngân sách nhà nước?

Theo quy định, các cụm công nghiệp do địa phương chịu trách nhiệm thành lập và quản lý, trong đó chủ yếu do cấp quận, huyện quản lý. Tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý cụm công nghiệp, sửa đổi bổ sung năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng cho các địa phương trong việc quản lý và phát triển các cụm công nghiệp, đặc biệt là UBND cấp huyện. Tuy nhiên, trên thực tế là công tác bảo vệ môi trường tại đa số các cụm công nghiệp trên cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách

Hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ vẫn chưa đưa vào vận hành

Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng phát triển các cụm công nghiệp thiếu quy hoạch đồng bộ. Thêm vào đó, các địa phương nôn nóng cho việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nên hạ tầng bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đáng nói, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp của chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đa số các cụm công nghiệp chưa cao. Ngoài ra, một phần do thiếu nguồn vốn nên không có hạ tầng, hoặc đầu tư hạ tầng không đồng bộ để kết nối và gần như toàn bộ hệ thống xử lý môi trường không hoạt động.

Trao đổi về vấn đề đảm bảo môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phân tích, theo Luật Bảo vệ môi trường thì tất cả các cơ sở công nghiệp thải ra nước thải và có thành phần ô nhiễm thì đều phải xử lý hoặc đưa về cơ sở xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, sau đó mới được thải ra nguồn tiếp nhận.

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách

“Nếu chúng ta cứ để cho nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, các cụm công nghiệp xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận có thể gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, chất lượng nguồn nước và cả hệ sinh thái dưới hạ lưu. Đây là điều vi phạm Luật Bảo vệ môi trường”, GS.TS Đặng Kim Chi khẳng định.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, hiện nay có tình trạng một số cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh nói chung việc xây dựng trạm xử lý nước thải còn chậm chạp hoặc một số trạm xây dựng xong nhưng quá trình vận hành lại không đảm bảo đạt tiêu chuẩn xả thải. Việc này cần sự quan tâm hơn và có sự can thiệp của cơ quan quản lý môi trường địa phương, để buộc họ có biện pháp đảm bảo nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn của nguồn tiếp nhận.

Trước thực tế ở Hà Nội nhiều hệ thống xử lý nước thải công nghiệp được đầu tư tiền tỷ nhưng nhiều năm xây dựng dở dang, chưa thể đưa vào vận hành hoặc do “thiếu nước thải”, trong khi chính quyền địa phương lại đề xuất đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng: “Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp cho tiếp nhận nước thải sinh hoạt hay không còn tùy thuộc vào công nghệ đã được thiết kế, thi công và chuẩn bị vận hành. Nếu thành phần đầu vào tương tự nhau thì không nói làm gì, nhưng nói chung nước thải công nghiệp rất khó có những thành phần tương tự như nước thải sinh hoạt, đặc biệt các thành phần kim loại nặng và hợp chất do hoạt động sản xuất công nghiệp sinh ra, vì vậy việc đó cần phải xem xét”.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, chủ đầu tư có thể chia hệ thống xử lý nước thải thành những modul nhỏ. Từ đó, lượng nước thải đến được bao nhiêu thì chỉ vận hành đối với một modul ấy và một hệ thống xử lý nước thải có thể chia làm 3-4 modul khác nhau.

“Ở đây, họ phải xin thay đổi quy mô của hệ thống xử lý nước thải, vì hệ thống xử lý nước thải được xây dựng khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Nếu thực tế họ thấy không vận hành hết công suất thiết kế, thì cần xin thay đổi điều chỉnh quy mô, xin giảm công suất. Khi đó, cơ quan quản lý môi trường tùy theo mức độ quản lý sẽ cho quyết định chấp thuận việc đó, từ đấy có thể xây hệ thống xử lý nước thải nhỏ hơn”, GS.TS Đặng Kim Chi nói.

Theo quan điểm các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, để đẩy lùi nguy cơ gia tăng ô nhiễm và phục hồi chất lượng môi trường đặc biệt là môi trườngcụm công nghiệp, làng nghề, thì nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, các ngành và người dân cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của môi trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin, tăng cường sự giám sát của cộng đồng. Bên cạnh đó, trước khi đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp cần đánh giá về tính khả thi, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...