• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử, kiến tạo phát triển kinh tế, xã hội

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025, trong đó ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử.

Hạn chế chậm trễ, nhũng nhiễu

Theo thông tin từ Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 2/2023 của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 29/6 cho thấy: Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã được thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế về kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của thành phố; Đến nay 100% Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành các văn bản, kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) giai đoạn 2020 -2025. Qua kết quả các cuộc kiểm tra của thành phố đã cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản nghiêm túc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của công dân; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền thành phố.

Hà Nội: Ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử, kiến tạo phát triển kinh tế, xã hội

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử lấy thước đo là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp - Ảnh KTĐT

Phát biểu tại hội nghị này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Hà Nội đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc rà soát, đơn giản hóa và công bố, công khai thủ tục hành chính. Tính đến ngày 10/6/2022, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là: 1.875 thủ tục, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở: 1.385 thủ tục, cấp huyện: 339 thủ tục và cấp xã là: 151 thủ tục; 100% thủ tục được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết; Chất lượng đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất của bộ phận một cửa, một cửa liên thông đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Những lợi ích căn bản mà chính quyền điện tử đã mang lại, đó là: Làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Nhận thức được tầm qua trọng này, thời gian thành phố Hà Nội luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính. Kết quả đánh giá các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2022 đã từng bước được cải thiện. Chỉ số PARINDEX xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2021); Chỉ số SIPAS đạt 80,16%, cao hơn so với chỉ số hài lòng chung của cả nước (SIPAS chung của cả nước là 80,08%). Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, Chỉ số ài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%, tiếp tục duy trì thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (giảm 3 bậc so với năm 2021).

Bên cạnh đó, năm 2023, Hà Nội tiếp tục chọn chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng thụ hưởng của nền hành chính phục vụ; xác định sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, Hà Nội cũng rất quan tâm đến đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng đồng bộ, thông suốt và liên tục, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Hà Nội: Ưu tiên xây dựng chính quyền điện tử, kiến tạo phát triển kinh tế, xã hội

Các cấp, ngành của Hà Nội đang ứng dụng chuyển đổi số để người dân có thể sử dụng các tiện ích thiết yếu như điện, nước mọi lúc, mọi nơi và liên tục 24/24 giờ. Ảnh: lms.evnhanoi.vn

Thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước) theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm. Hà Nội cũng yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết công việc, nhất là đội ngũ công chức, viên chức tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính từ Thành phố tới cấp huyện, cấp xã.

Đáng chú ý, Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia, đường dây nóng (0243.934.6034), địa chỉ thư điện tử kiemsoatthutuchanhchinh@hanoi.gov.vn, qua tài khoản Zalo chính thức “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội”.

Việc ưu tiên phát triền chính quyền điện tử, chính quyền số cũng được thể hiện qua Nghị quyết số 18 của Thành ủy Hà Nội khi đã định hướng 5 nhóm tiện ích đồng bộ với Đề án 06 của Chính phủ gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, cụ thể hóa tinh thần năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” theo Nghị quyết số 01 6/12023 của Chính phủ, những yếu tố cấu thành chính quyền điện tử, chính quyền số của thành phố Hà Nội đang ngày càng hiện diện rõ nét. Nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại đang ngày càng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển mạnh mẽ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết