Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025
Chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.
Tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025 có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc Hội; ông Ngô Đông Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương… Cùng đại diện các Bộ, ngành đơn vị liên quan.
Về phía Bộ Công Thương, có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các Thứ trưởng: Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long. Cùng dự có lãnh đạo các Cục Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… Cùng tham dự có lãnh đạo các địa phương, Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố..
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc Hội; ông Ngô Đông Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương… tại Hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết Quý 3 mới được nới lỏng một phần, chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn. Xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.
Các nước thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... gắn với thương mại của Mỹ); Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tiếp tục định hình lại các hình thức, loại hình đầu tư FDI toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc triển khai cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng nhất định tới các nước thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư FDI như Việt Nam. Đồng thời, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới. Bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động nêu trên tác động đã trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta.
Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Năm 2024 đối mặt với diễn biến thiên tai bất lợi, đặc biệt, siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kinh tế cả nước tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao và liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn ; doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế… Các cân đối lớn được đảm bảo.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt và vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, là tốc độ tăng rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ…
Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Nổi bật là:
Tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với Luật Điện lực sửa đổi và nhiều chính sách mới, tái khởi động các dự án điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng |
Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào... Đặc biệt là kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục và các dự án năng lượng trọng điểm ngành năng lượng.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. Phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.
Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.
Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.