Nghiên cứu các chính sách khả thi khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu các chính sách khả thi để góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí dự thảo Luật Đường bộ đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đuờng bộ và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên nguyên tắc tiếp thu tối đa, giải trình có tính thuyết phục cao; bảo đảm chất lượng, thời hạn, tiến độ theo đúng trình tự, thủ tục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo lưu ý một số vấn đề sau: Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tránh chồng chéo về nội dung, bảo đảm tính khả thi của từng luật khi được ban hành, nhất là các yếu tố giao thông tĩnh ở Luật Đường bộ, giao thông động ở Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các hoat động vừa tĩnh vừa động thì hai luật phải quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền quản lý nhà nước; vấn đề phương tiện, kỹ thuật phương tiện có thể quy định ở Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng trách nhiệm theo dõi, quản lý thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật trên nguyên tắc chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, có sự đồng thuận, thống nhất cao; những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa có sự thống nhất thì tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thí điểm. Đối với những vấn đề đang thực hiện thí điểm cần phải luật hóa và Chính phủ quyết tâm luật hóa thì cần có báo cáo bổ sung, đánh giá tác động rất cụ thể để giải thích thuyết phục trong báo cáo tiếp thu, giải trình.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm rõ cơ sở đề nghị quy định giảm tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tại đô thị; nghiên cứu các chính sách khả thi để góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt; phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Làm rõ cơ sở và đánh giá kỹ tác động của các quy định ở chương đuờng cao tốc, bao gồm quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa đường cao tốc trên cơ sở các tuyến đường cũ; vận hành, khai thác đường cao tốc; phí sử dụng đường cao tốc; trạm dừng nghỉ; vấn đề giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, nghiên cứu làm rõ căn cứ để giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc và quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ; cần xây dựng Luật theo hướng ngân sách trung ương phải tập trung đầu tư cho quốc lộ, đường cao tốc; ngân sách địa phương tập trung cho đường địa phương, trường hợp địa phương có nguồn lực, tham gia được thì đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện; không sửa Luật Ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu có thể quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ, đường cao tốc để phát huy năng lực của địa phương phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ; quy hoạch, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể; sử dụng hành lang an toàn đường bộ; trách nhiệm xây dựng đường nhánh, đường gom, đường bên kết nối với đường chính trong từng địa bàn, khu vực; tổ chức vận tải đường bộ...; rà soát các quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, đề nghị các Ủy ban của Quốc hội căn cứ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lĩnh vực của mình phụ trách tham gia cùng Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh dự thảo Luật, chú trọng các nội dung về ngân sách, kinh phí, phí, lệ phí, đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ trong hoạt động đường bộ…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo thống kê danh mục, có báo cáo đánh giá tác động cũng như phương án thể hiện đối với 3 nhóm chính sách trong dự thảo Luật gồm: Những chính sách, cơ chế mà luật pháp hiện hành chưa quy định được dự kiến bổ sung trong dự thảo Luật; những chính sách đang thực hiện thí điểm bằng các nghị quyết, nghị định đề xuất quy định trong dự thảo Luật và những chính sách, cơ chế khác với pháp luật hiện hành, đồng thời đề xuất phương án xử lý quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất.