• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050: Mở ra không gian phát triển mới

Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện.

Vào ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1729/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.

Đến năm 2030 Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030 diễn ra ngày 6/3, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết: Nam Định phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050: Mở ra không gian phát triển mới

Ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định

Trong đó, định hướng công nghiệp xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng. Xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực. Phát triển bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ nhất, về mục tiêu kinh tế, Nam Định phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%. Đặc biệt, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nam Định cũng đạt mục tiêu nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm khoảng 16% trở lên. Kim ngạnh xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 18.000 tỷ đồng. Đồng thời, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Kinh tế số chiếm khoảng 30% trong GRDP và kinh tế biển, ven biển trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Thứ hai, về văn hóa - xã hội, Nam Định phấn đấu tuổi thọ bình quân đạt trên 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu trên 70 năm. Đến năm 2030 không còn hộ nghèo (trừ những hộ nghèo không có khả năng lao động). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 45-50%. Có 100% số xã đạt chuẩn NTM (nông thôn mới) nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 35% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu có 3 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nam Dinh
Phối cảnh Dự án xây dựng đô thị tại xã Bạch Long (Giao Thủy)

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 56%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 90,2%, tiểu học đạt 97,8%, trung học cơ sở đạt 98,2%, trung học phổ thông đạt 98%. Ngoài ra, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 12 người; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 32 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 98%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 100%.

Thứ ba, về môi trường, Nam Định duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 2,0%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt của các đô thị được thu gom và xử lý đạt 55-60%. Và đặc biệt 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới có trạm xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quy định.

Thứ tư, về quốc phòng, an ninh: Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh. Số xã, phường, thị trấn mạnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt > 95%.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, tầm nhìn đến năm 2050 Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng, cả nước và khu vực.

Xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững”, ông Phạm Đình Nghị khẳng định.

Phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực

Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới phát triển kinh tế tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với định hướng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch là mũi nhọn đột phá; phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thông tin thêm về các nhiệm vụ trọng tâm Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ ra:

Thứ nhất, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển (công nghiệp biển, du lịch biển, vận tải biển, khai thác các nguồn lợi của biển,...). Phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như luyện thép và sản phẩm sau thép, điện gió, điện khí, chế biến khí,…. gắn với không gian vùng kinh tế biển.

Nam Dinh
Nam Định tập trung phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất theo quy hoạch để hình thành “cánh đồng lớn”. Đẩy mạnh liên kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Thứ ba, phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa, trong đó ưu tiên phát triển thành phố Nam Định (mở rộng) trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I vào giai đoạn năm 2030. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cũng theo ông Phạm Đình Nghị từ bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2011-2020 và các dự báo đến 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh lựa chọn phương án phát triển như: Phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó là phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên toàn tỉnh để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và khu vực đô thị, nông thôn.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nhân lực chất lượng cao. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích văn hóa - lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, các giá trị truyền thống lâu đời của Nam Định. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nền hành chính hiện đại”, ông Phạm Đình Nghị nhấn mạnh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...