• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã

Thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện lấy ý kiến cử tri tại các xã thuộc diện sắp xếp tại 5 huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Hưng Hà với tổng số cử tri dự kiến trên 116.000 người. Đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện… đảm bảo công tác lấy ý kiến cử tri hiệu quả, chất lượng, đúng quy định.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh có 28 đơn vị hành chính cấp xã tại 5 huyện chịu tác động của việc sắp xếp, trong đó có 17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, 11 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính. Huyện Đông Hưng là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhiều nhất với 9 đơn vị; các huyện Tiền Hải 7 đơn vị, Kiến Xương 6 đơn vị, Quỳnh Phụ 3 đơn vị, Hưng Hà 3 đơn vị. Sau khi sắp xếp, tỉnh sẽ giảm 18 xã, còn 242 đơn vị hành chính cấp xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; tinh gọn biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách; góp phần tiết kiệm chi ngân sách, tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội; cải cách chế độ tiền lương và nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Thái Bình xác định việc thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị, đồng thời là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực với quy trình thực hiện chặt chẽ. Để thực hiện thành công, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương tập trung cao, chủ động nắm bắt tình hình cơ sở, tư tưởng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao cả về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh. Đặc biệt, ngay từ công tác lấy ý kiến cử tri phải thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Đến nay, các xã đã thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, cử thành viên đến từng hộ gia đình phát phiếu lấy ý kiến. Kết quả việc lấy ý kiến cử tri sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tỉnh Thái Bình thực hiện thành công Đề án, cũng như khẳng định tinh thần đoàn kết, đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc lấy ý kiến cử tri sẽ được thực hiện vào ngày 24/3 tới.

Giai đoạn 2019-2021, Thái Bình đã thực hiện sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 21 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 5 huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy; giảm 26 đơn vị hành chính cấp xã; tinh giản 453 biên chế, cán bộ công chức cấp xã, giảm 468 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Sau sắp xếp, bộ máy các đơn vị hành chính cấp xã được tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Đây là tiền đề, kinh nghiệm quý để tỉnh Thái Bình triển khai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn này, đảm bảo đúng quy định, đúng tiến độ và hiệu quả./.

Vũ Quang


Tác giả: Vũ Quang Đán
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết