• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Hoá: Phấn đấu thu nhận hơn 35.000 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính

Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm thứ 2 với mục tiêu thu nhận 35.626 mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt ý nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh cho Tổ quốc, góp phần thắp sáng niềm hy vọng cho những gia đình liệt sĩ chưa tìm được phần mộ người thân.

Lực lượng Công an lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Ngày 4/7, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, theo kế hoạch, trong đợt cao điểm lần 2 từ 3/7 này, Công an tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu phấn đấu thu nhận thành công 35.626 mẫu ADN để phục vụ cập nhật dữ liệu Ngân hàng Gen và đối chiếu, so sánh tìm ra danh tính của các liệt sĩ còn chưa biết tên. 

Để đạt được mục tiêu này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Sở Nội vụ trong việc chia sẻ, thu thập, cập nhật thông tin liệt sĩ. Chiến dịch dự kiến sẽ được triển khai trong 18 ngày (từ 3 - 20/7), tại 166 xã, phường trên địa bàn tỉnh với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo gia đình các thân nhân liệt sĩ.

Điểm thu nhận ADN thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Trong đợt cao điểm lần thứ 2 này, số lượng mẫu ADN thu nhận lớn, địa bàn rộng, với nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa nằm cách xa trung tâm hàng trăm kilomet. 

Để công tác thu nhận đạt hiệu quả cao, các đơn vị, lực lượng Công an trong tỉnh thành lập các tổ công tác, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất để tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, lập danh sách, thu thập đầy đủ, chính xác thông tin thân nhân liệt sĩ phục vụ xây dựng dữ liệu thông tin, cập nhật thông tin ADN vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Bên cạnh việc trực tiếp đến từng nhà để thu nhận mẫu ADN đối với các trường hợp già yếu, neo đơn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều tổ công tác, phân chia địa bàn để thu nhận tập trung.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thân nhân liệt sĩ trong quá trình đến các điểm thu nhận mẫu, lực lượng Công an đã chủ động liên hệ, phối hợp với chính quyền cơ sở bố trí phương tiện đưa đón các thân nhân cao tuổi, sức khỏe yếu đến các điểm thu mẫu tập trung.

Đồng thời, bố trí cán bộ tận tình hỗ trợ tiếp đón, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ kê khai thông tin đầy đủ, đúng quy định và thực hiện lấy mẫu sinh phẩm nhanh chóng, an toàn đảm bảo không ai bị bỏ sót, nhầm lẫn trong quá trình thu nhận dữ liệu ADN - một khâu then chốt trong hành trình xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Lực lượng Công an tiếp đón, trực tiếp hướng dẫn người dân kê khai giấy tờ thu nhận mẫu ADN. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Ghi nhận ngày đầu triển khai cao điểm tại 26 xã, phường, số lượng thân nhân liệt sĩ đến các điểm thu nhận mẫu ADN khá đông. Tại trạm thu nhận điểm ADN của xã Hà Trung, ngay từ sáng sớm, thân nhân các liệt sĩ đã có mặt, mang theo giấy tờ liên quan để được hướng dẫn kê khai, xác minh và lấy mẫu sinh phẩm.

Có mặt từ rất sớm tại điểm thu nhận ADN trạm thu nhận của xã Hà Trung, bà Trần Thị Hợp không giấu nổi sự hồi hộp. Bà Hợp cho biết: "Hơn 10 năm miệt mài đi tìm tung tích phần mộ của người anh trai - Liệt sĩ Trần Văn Bàn, sinh năm 1948, hi sinh năm 1972 tại chiến trường Đồng Nai. Dù đã đi nhiều nơi tìm kiếm với bao chuyến đi và trở về trong vô vọng nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ của anh. Được tin lực lượng Công an về xã để lấy mẫu ADN, tôi mừng lắm, gia đình lại có thêm hi vọng được tìm thấy anh".

Còn tại điểm thu nhận mẫu ADN ở phường Bỉm Sơn và phường Quang Trung, cùng với 159 thân nhân liệt sĩ được thu nhận mẫu ADN lần này, gia đình liệt sĩ Nguyễn Thiện Khiêm (sinh năm 1945, hi sinh tại Gia Lai năm 1965) có 2 trường hợp được thu nhận mẫu là chị gái và em trai của liệt sĩ. Gần 60 năm qua, gia đình không có điều kiện để đi tìm, chỉ biết nhờ người quen, họ hàng dò hỏi nhưng vô vọng. Thông tin về nơi hy sinh mờ mịt, mộ phần vẫn bặt vô âm tín. Giờ đây, khi được thu nhận mẫu ADN, gia đình lại thắp lên tia hy vọng - rằng hành trình tìm lại người thân có thể sẽ có một kết quả sau bao năm mong mỏi.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về người anh trai liệt sĩ Hoàng Duy Phúc, sinh năm 1949, hi sinh năm 1969 tại Vĩnh Linh, Quảng Trị vẫn in đậm trong tâm trí người em gái nhỏ là bà Nguyễn Thị Trâm năm nào. Trong ký ức của đồng đội kể lại cho gia đình, anh bị thương nặng, sau đó hi sinh và được chôn cất trong vườn nhà dân. Nhưng khi gia đình tìm về chiến trường xưa, nơi từng ghi dấu sự hi sinh của anh giờ đã không còn dấu tích. Không tìm được mộ phần, chỉ còn niềm hy vọng mong manh. Nay được thu nhận 2 mẫu ADN của em gái và cháu gái liệt sĩ, gia đình như được tiếp thêm niềm tin sẽ tìm được phần mộ của liệt sĩ.

Trong những ngày tới, Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai các tổ thu nhận tập trung tại 166 xã, phường trên địa bàn tỉnh (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, bất kể ngày hay đêm) với phương châm “không để sót một mẫu nào, không để nhầm một thân nhân nào”.

Mỗi mẫu ADN được thu nhận hôm nay không chỉ là dữ liệu phục vụ giám định mà còn là nhịp cầu kết nối quá khứ - hiện tại, là hành trình đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với tên tuổi và gia đình của mình.

Điểm thu nhận thân nhân liệt sĩ lấy mẫu ADN. Ảnh: Công an Thanh Hoá

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và đầy nhân văn này một lần nữa khẳng định vai trò xung kích, trách nhiệm và nghĩa tình của lực lượng Công an Thanh Hóa trong hành trình thực hiện công lý lịch sử và nghĩa vụ với những người đã khuất. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...