• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Czech thăm Việt Nam: Thúc đẩy tiềm năng hợp tác kinh tế song phương

Đại sứ Czech tại Việt Nam nhận định chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Czech là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng phát triển giữa 2 nước.

 

Hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hoà Czech Petr Fiala sẽ thăm chính thức Việt Nam vào ngày 20-22/4. Thủ tướng Czech Petr Fiala sẽ dành 3 ngày ở Việt Nam trong chuyến công du châu Á đầu tiên dài 10 ngày, đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một thủ tướng Czech sau 15 năm.

Đại sứ Việt Nam tại Czech Thái Xuân Dũng khẳng định, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Czech Petr Fiala có ý nghĩa quan trọng khi hai bên cùng quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech không ngừng được củng cố và phát triển trong suốt hơn 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực: chính trị ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác địa phương… Điều này phải kể đến việc từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, Czech đã giúp đào tạo hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, lao động cho Việt Nam.

Thủ tướng CH Czech Petr Fiala thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-24/4

Thủ tướng CH Czech Petr Fiala thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-24/4

Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Czech những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 848 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021. Hiện, Czech có 41 dự án tại Việt Nam với tổng vốn 92 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Czech các mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… Việt Nam nhập khẩu từ Séc: hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thuỷ tinh… Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài EU.

Về đầu tư, Czech có 41 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD, tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.

Czech hiện coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của Czech ngoài khối EU về phát triển thương mại và đầu tư. Về quan hệ thương mại - đầu tư, tận dụng các lợi ích và ưu đãi mà Hiệp định EVFTA đem lại, quan hệ thương mại Việt Nam - Czech năm 2022 tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Năm 1998, Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước được thành lập. Sau khi Czech gia nhập EU, hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006.

Năm 2022 hai bên đã họp khoá 7 Uỷ ban liên Chính phủ tại Praha, Czech. Tại Khóa họp này Czech đã nêu mong muốn được trở thành đối tác toàn diện hoặc đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế (được ghi vào Biên bản Khóa họp). Hiện, Czech là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Bên cạnh đó, Czech cũng là nước Trung Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Czech có khoảng 100.000 người, là cộng đồng người Việt đầu tiên tại nước ngoài được công nhận là dân tộc thiểu số (năm 2013).

Đại sứ Việt Nam tại Czech Thái Xuân Dũng nhận định, Việt Nam và Cộng hòa Czech là hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng... có thị trường nội địa lớn, với gần 100 triệu dân, trong khi Czech là một trong những nước EU có nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.

Do vậy, Việt Nam có thể hợp tác với Czech trong việc chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường trong những lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo (chuyển đổi năng lượng, hiện đại hóa các nhà máy điện than của Việt Nam và hệ thống truyền tải điện, an ninh mạng, chuyển giao công nghệ trong ngành phát điện…).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như thủy hải sản, giày dép, hàng may mặc...

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Czech vẫn là các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như thủy hải sản, giày dép, hàng may mặc...

Công nghiệp ô tô, công nghiệp mỏ, hợp tác nghiên cứu khảo sát vấn đề môi trường, xử lý nước thải, công nghiệp hóa dầu… là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và Czech có thế mạnh, như đã đề cập trong Nghị định thư ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Công thương Czech Petr Třešňák tại Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Czech về hợp tác kinh tế lần thứ VII diễn ra tại Praha vào tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một đất nước hòa bình, chính trị - xã hội luôn ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây được xem là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Czech.

Triển vọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Czech

Trên cơ sở này, Đại sứ Czech tại Việt Nam Hynek Kmonícek đã chia sẻ kỳ vọng của ông về chuyến thăm cũng như các kế hoạch để thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới. Đại sứ Czech tại Việt Nam cho rằng, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Fiala là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng phát triển và lợi ích chung giữa Czech và Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ cùng thảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội nhằm tăng cường hợp tác cũng như khám phá các lĩnh vực hợp tác mới.

Dự kiến Thủ tướng Cộng hoà Czech Petr Fiala sẽ đến Hà Nội tối 20/4. Các hoạt động chính của đoàn sẽ diễn ra trong ngày 21/4. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Czech sẽ hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác. Nhà lãnh đạo Czech cũng sẽ đến chào Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech.

Theo Phòng Thương mại Czech, trong ngày 21/4, các đại diện doanh nghiệp Czech sẽ có cuộc gặp với các công ty Việt Nam tại Hà Nội. Sau đó là bữa trưa làm việc giữa thủ tướng Czech với các công ty thuộc ngành công nghiệp quốc phòng và đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại Czech dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp song phương với lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Doanh nghiệp hai nước còn có cuộc làm việc tại tỉnh Quảng Ninh trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Fiala. Đây cũng là địa phương mà hãng sản xuất ô tô nổi tiếng của Czech là Skoda Auto đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp. Dự kiến, thủ tướng Czech sẽ dự lễ khởi công nhà máy trong ngày 22/4.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết