Việt Nam cam kết "3 bảo đảm" và "3 cùng" với nhà đầu tư Brazil
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, hôm nay (29/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Lula da Silva cùng dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Brazil.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Lula da Silva chứng kiến lễ ký kết và trao biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư vào Việt Nam giữa 3 bên: JBS, Trung tâm Xúc tiến, Thông tin và Hỗ trợ đầu tư (Bộ Tài chính) và Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ. Ảnh: N.Bắc
Diễn đàn do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam tổ chức.
Brazil sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam đi vào Khối Mercosur
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Brazil Lula da Silva cho rằng, Việt Nam và Brazil tuy xa nhau về khoảng cách địa lý nhưng rất gần gũi. Việt Nam và Brazil đều có nền văn hoá đa dạng, đặc sắc; người dân yêu thể thao, đặc biệt là bóng đá; là hai nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới…
Tuy nhiên, với gần 8 tỷ USD/năm như hiện nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ giữa hai nước và mong muốn của mỗi nước. Do đó, hai bên cần nỗ lực, khai thác tối đa các hiệp định thương mại giữa hai nước và các khuôn khổ khác mà hai nước tham gia để thúc đẩy thương mại.
Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cho phép nhập khẩu thịt bò của Brazil, Tổng thống Lula da Silva cho biết phía Brazil sẽ đầu tư các nhà máy chế biến thịt bò để thông qua Việt Nam thâm nhập vào thị trường ASEAN; chiều ngược lại, Brazil sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam đi vào khối Mercosur.
Giới thiệu các tiềm năng hợp tác mà Brazil có thế mạnh như hàng không, nhiên liệu sinh học, thể thao, nông nghiệp… Tổng thống Brazil đề nghị các doanh nghiệp hai nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân kết nối với nhau, thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, hiện thực hoá, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Brazil; đề nghị hai bên nghiên cứu lập các quỹ chung để xúc tiến đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ tạo điều kiện thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: N.Bắc
Quan hệ Việt Nam - Brazil đến nay hội tụ 5 điểm tương đồng
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là ủng hộ một Brazil độc lập, mạnh, hùng cường và có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới; nhân dân Brazil ngày càng hạnh phúc và ấm no.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tham gia các sáng kiến của Brazil góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới, đặc biệt là sáng kiến chống đói nghèo.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam - Brazil đến nay hội tụ 5 điểm tương đồng, bổ sung mang tính chủ đạo. Trong đó, có chung khát vọng chống đói nghèo, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, văn minh, khát vọng hòa bình, hợp tác, phát triển, vươn lên mạnh mẽ, mang lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân.
Trong chuyến thăm này, Việt Nam đã mở cửa thị trường thịt bò cho Brazil và Brazil đầu tư ngay với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện".
Cũng theo Thủ tướng, hiện có nhiều cầu thủ Brazil thi đấu tại Việt Nam, có những cầu thủ Brazil nhập tịch đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam vô địch Đông Nam Á lần thứ 3.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 nền kinh tế.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và quyết tâm tăng trưởng 2 con số trong những năm tới; Việt Nam rất muốn Brazil hợp tác để thực hiện mục tiêu này.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế...
Cùng với đó, Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại địa giới hành chính, giảm cấp trung gian; phấn đấu tạo đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất với tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: N.Bắc
Việt Nam sẵn sàng làm điểm tựa quan trọng để Brazil vào thị trường ASEAN
Thủ tướng mong thời gian tới, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, các doanh nghiệp kết nối nhiều hơn nữa, phát huy tình cảm và các cơ chế hợp tác giữa hai nước.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, điểm tựa quan trọng để Brazil vào thị trường ASEAN. Việt Nam cũng cảm ơn Brazil sẵn sàng làm cầu nối cho Việt Nam vào khu vực Mercosur và Mỹ Latinh.
Về đầu tư, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; khoáng sản; nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao...
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Brazil tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Brazil sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Brazil ủng hộ, thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối Mercosur; tạo khung khổ pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, thương mại song phương thông qua ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng như hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định về lao động, giáo dục đào tạo, miễn thị thực...
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cam kết "3 bảo đảm" và "3 cùng" với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Brazil.
Cụ thể, "3 bảo đảm" gồm bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định về chính trị, an ninh, an toàn, an dân.
"3 cùng" gồm cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, hỗ trợ lẫn nhau, coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ và quyết đoán kịp thời, mang lại lợi ích, của cải vật chất cho Nhân dân hai nước, tô thắm thêm tình cảm, quan hệ giữa hai nước và góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.