Ban hành luật không chạy theo số lượng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa đưa ra một chỉ đạo quan trọng liên quan đến công tác xây dựng luật: “Không chạy theo số lượng”.
"Tại sao luật chúng ta ban hành chưa bao lâu đã phải điều chỉnh, phải sửa, thậm chí có luật chưa thi hành đã phải chỉnh sửa? Tại sao các địa phương khi có luật lại triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa đến nơi đến chốn?"
Đó là những câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt ra tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nơi các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về 12 dự án luật, gồm 11 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và một dự án luật trình tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến thông qua theo quy trình 1 kỳ họp), do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 27.8.
Còn nhớ cách đây 5 ngày, khi trả lời chất vấn Quốc hội về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thừa nhận rằng một phần nguyên nhân chủ quan là do sự thiếu chủ động và nhận thức chưa đầy đủ của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) lại cho rằng cần nhìn thẳng vào thực tế nguyên nhân chủ yếu là do năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia công tác xây dựng pháp luật “đang có vấn đề“.
Điều này thực sự đáng lo ngại. Trước hết, người dân sẽ giảm lòng tin vào hệ thống lập pháp. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ gặp khó khăn trong quản lý và điều hành công việc hàng ngày. Điều này có thể làm giảm tính cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của các ngành kinh tế.
Không những thế, việc sửa đổi và điều chỉnh luật pháp còn đòi hỏi nhiều nguồn lực quốc gia, bao gồm thời gian, nhân lực và tài chính, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ.
Đặc biệt, các dự án luật thiếu ổn định và rõ ràng có thể tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng và trục lợi, lợi ích nhóm trong quá trình sửa đổi luật pháp.
Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh: “Cần bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua”.
Làm luật không chạy theo số lượng là một yêu cầu đúng đắn và mang tính bước ngoặt của Chủ tịch Quốc hội.
Chất lượng luật pháp không chỉ là thước đo cho sự phát triển của một quốc gia mà còn là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
Vì vậy, mỗi dự thảo luật cần được xem xét một cách cẩn trọng, với sự đóng góp ý kiến từ nhiều phía, để đảm bảo rằng khi được ban hành, luật pháp không chỉ mang tính khả thi mà còn có thể tồn tại lâu dài!