Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại: Pháp luật phải đi trước
Vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại tình dục tại Hà Nội mới đây không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận mà còn dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng trong một bộ phận xã hội. Đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em.
Bảo vệ trẻ em là để xây dựng một tương lai an toàn và lành mạnh cho thế hệ mai sau. Ảnh: ITN
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé gái 3 tháng tuổi nhập viện sau khi bị xâm hại tình dục. Nhờ sự can thiệp kịp thời của đội ngũ y tế, bé đã được phẫu thuật và đang dần ổn định sức khoẻ. Tuy nhiên, những tổn thương về thể chất và sang chấn tâm lý đối với một đứa trẻ còn quá nhỏ là vấn đề không thể xem nhẹ.
Người đàn ông liên quan, được xác định là người thân của bé, đã bị bắt và thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo luật sư Ngô Thu Hằng, đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, bởi nạn nhân là trẻ sơ sinh - đối tượng đặc biệt yếu thế cần được pháp luật bảo vệ. Hành vi của đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Luật sư Ngô Thu Hằng (người đứng). Ảnh: PV
Với tình tiết nạn nhân dưới 10 tuổi, người thực hiện hành vi có thể đối mặt với mức án từ 20 năm tù, tù chung thân, hoặc thậm chí tử hình.
Luật sư Ngô Thu Hằng nhấn mạnh: Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng mà còn là sự tha hoá về mặt đạo đức. Chế tài nặng đến đâu cũng không thể bù đắp những tổn thương của đứa trẻ. Người thực hiện hành vi phạm tội chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Một thực trạng đáng lo ngại đó là vụ việc này không phải trường hợp cá biệt. Năm 2023, theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, trong năm 2024, đã điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại, trong đó 28,8% liên quan đến xâm hại tình dục. Những con số này cho thấy vấn nạn xâm hại trẻ em đang ở mức báo động, đặc biệt khi phần lớn thủ phạm là người quen biết, thậm chí là người thân ruột thịt khiến nhiều gia đình chủ quan.
Ths. Thái Thị Thanh Nga, Chuyên viên chính, Ủy ban Văn hoá – Xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay nhiều vụ xâm hại trẻ em chỉ được phát hiện sau khi hậu quả đã xảy ra. Điều đáng lo hơn là vẫn còn rất nhiều vụ việc chưa từng được lên tiếng, âm thầm diễn ra trong chính môi trường tưởng như an toàn – gia đình.
Ths Thái Thị Thanh Nga phát biểu tại một cuộc họp. Ảnh: PV
Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ việc bị phát hiện nhờ sự tố giác từ người dân, trong khi trẻ em – đặc biệt là các bé dưới 6 tuổi – gần như không có khả năng tự lên tiếng hay cầu cứu. Đây là một khoảng trống nguy hiểm không chỉ về mặt pháp lý mà còn về văn hoá gia đình.
“Gia đình cần được nhìn nhận đúng vai trò là pháo đài đầu tiên và quan trọng nhất trong việc bảo vệ trẻ em. Việc hình thành nếp sống văn hoá, đề cao trách nhiệm, tình yêu thương và kỹ năng nuôi dạy con cái là yếu tố then chốt. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ mỗi gia đình, cộng đồng và cơ quan chức năng trong việc nhận diện sớm, giám sát thường xuyên và can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu bất thường”, bà Nga nhấn mạnh.
Từ vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế bảo vệ trẻ em cần được hoàn thiện thêm một bước, để có thể “kích hoạt” ngay khi có nguy cơ xảy ra. Pháp luật phải đi trước, cơ chế bảo vệ phải chủ động và mọi rủi ro đối với trẻ em cần được phát hiện, ngăn chặn từ gốc.
Bảo vệ trẻ em không thể là nhiệm vụ riêng của ngành nào. Nó đòi hỏi cả hệ thống, từ gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương đến các tổ chức xã hội phải thực sự vào cuộc.
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là một kênh hỗ trợ hiệu quả. Ảnh: ITN
Cùng với sự chủ động từ phía gia đình, cộng đồng và xã hội cũng cần nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em. Việc giữ im lặng hoặc thờ ơ trước các dấu hiệu bất thường là nguyên nhân khiến nhiều vụ việc không được phát hiện kịp thời.
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là một kênh hỗ trợ hiệu quả, hoạt động 24/7, miễn phí, để người dân tố giác các hành vi xâm hại và nhận tư vấn.
Ngoài ra, việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường giáo dục về giới tính và phòng chống xâm hại trong trường học, cũng như kiểm soát các nội dung văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng, là những bước đi cần thiết để giảm thiểu nguy cơ.
Vụ bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại là một lời cảnh tỉnh đau lòng, nhắc nhở rằng trẻ em, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, đều có thể trở thành nạn nhân nếu thiếu sự bảo vệ toàn diện. Mỗi người lớn cần ý thức rằng, bảo vệ trẻ em không chỉ là hành động nhân văn mà còn là để xây dựng một tương lai an toàn và lành mạnh cho thế hệ mai sau.