Bộ Tài chính dự kiến đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần sớm trình phương án giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường để kìm đà tăng giá xăng dầu.
Ngày 14/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết bà cũng như nhiều đại biểu khác đã kiến nghị tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ xem xét giải pháp giảm thuế để "hạ nhiệt" mặt hàng xăng dầu.
"Cần kìm đà tăng của giá xăng dầu, giảm thiểu tác động của việc tăng giá đến đời sống người dân, người lao động và sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hồi phục sau đại dịch Covid-19"- đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Ảnh minh họa |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm ở mức 2.000 đồng/lít, dư địa vẫn còn và có thể giảm tối đa 2.000 đồng/lít còn lại đối với loại thuế này. Do đó, bà Nga kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, xem xét để trình Quốc hội phương án giảm thuế đối với xăng dầu.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính, trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Cơ quan này cũng cho biết diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Để kìm đà tăng giá của mặt hàng xăng dầu trong nước, giải pháp giảm thuế tiếp tục được nêu ra. Hiện thuế bảo vệ môi trường đã giảm giảm 50% đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% đối với dầu hỏa từ ngày 1/4 đến hết năm 2022.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Bộ đang dự kiến đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Tại kỳ điều hành chiều 13/6, giá xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, xăng E5 tăng thêm 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít; giá xăng A95 tăng gần 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít. Cụ thể, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/kg.
Giá xăng dầu tăng cao đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết lạm phát bình quân năm tháng đầu năm nay của nền kinh tế tăng 2,25%, thì giá xăng dầu tăng cao gần 50% đã góp vào 1,8 điểm phần trăm; giá gas tăng trên 20%, góp 0,3 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân chung của nền kinh tế.
Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng cao. Do đó, thời gian qua, rất nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, người dân đề xuất Chính phủ nên có các giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu như giảm thuế, phí với xăng dầu: giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Để góp phần kiểm soát lạm phát cả năm, Bộ Tài chính gợi ý nhiều biện pháp khác như thực hiện chính sách tiền tệ chủ động kết hợp chặt chẽ tài khóa; chưa xem xét tăng giá với các mặt hàng dịch vụ do nhà nước định giá; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Thanh Hằng