Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế
SSI Research cho rằng việc Nghị Quyết 42 được kéo dài đến cuối 2023 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế 2022 -2023, hướng tới tới nền kinh tế và ngành ngân hàng nói riêng.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 11/4-18/4, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng việc Nghị Quyết 42 được kéo dài đến cuối 2023 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế 2022 -2023, hướng tới tới nền kinh tế và ngành ngân hàng nói riêng.
Cụ thể, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023, ngắn hơn so với đề xuất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đến 2025.
Từ tháng 8/2017 khi có hiệu lực đến nay, Nghị quyết 42 được triển khai tích cực và đạt được kết quả khả quan.
Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỉ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong tuần, NHNN tiếp tục bơm gần 1.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Lượng tín phiếu đáo hạn lên đến 3.800 tỷ đồng và giúp khối lượng đang lưu hành giảm xuống chỉ còn 2.400 tỷ đồng.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao trên 2%, kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,23% và kỳ hạn 1 tuần 2,42%.
Nguồn: SSI |
Trong tuần qua, diễn biến của đồng VND giảm giá nhẹ, tương đồng với xu hướng của các đồng tiền khác trong khu vực. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch quanh mức 22.900/USD (tăng 35 đồng so với tuần trước).
Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 40 đồng, kết tuần ở mức VND 22.730-23.040. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 20 điểm, giao dịch ở VND 23.275-23.305.
Về mặt tích cực, VND vẫn được kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tệ tích cực. Giải ngân FDI trong ba tháng đầu năm đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong khi cán cân thương mại, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải Quan đảo chiều xuất siêu 2,1 tỷ USD trong tháng 3 và nâng mức xuất siêu trong quý I lên 1,5 tỷ USD.
Phương Thảo