Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi): Tạo cơ chế mở, linh hoạt để tuyển dụng và quản lý cán bộ
Sáng 24/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ hôm nay, ngày 1/7, trừ quy định về đánh giá công chức sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2026.
*Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã thể hiện rõ tư duy đổi mới, tạo dựng một hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý công chức với mục tiêu xây dựng một nền công vụ năng động, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc; đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây dịp để thay đổi một cách toàn diện về tư duy và và triết lý cho nền công vụ, nên Luật sửa đổi đã đổi mới một cách rất căn bản, đồng bộ và toàn diện.
Ở lần sửa đổi này, luật đã hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh; đồng thời đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng công chức, chuyển đổi từ việc quản lý cán bộ, công chức theo mô hình chức nghiệp sang phương thức quản lý theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm. Trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), trước đây chúng ta thực hiện theo mô hình chức nghiệp, người tốt nghiệp đại học ra trường tuyển dụng vào ngạch chuyên viên. Sau 1 năm tập sự hưởng 85%, xếp hệ số lương 2,34. Sau 9 năm đủ điều kiện mới được thi chuyên viên chính, sau 6 năm chuyên viên chính mới đủ điều kiện thi chuyên viên cao cấp.
Theo quy định mới, cơ chế tuyển dụng có nhiều điểm đột phá, tuyển dụng theo vị trí việc làm, đầu vào mở hơn so với trước đây. Khi thi tuyển cho phép thi tuyển tất cả các vị trí chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, thậm chí thi tuyển lãnh đạo. Người được tuyển dụng đảm nhiệm vị trí việc làm nào thì được xếp lương tương ứng với vị trí việc làm đó, không phải trải qua bước tập sự. Điều này sẽ góp phần thu hút nguồn lực chất lượng cao từ khu vực ngoài vào nền công vụ, tháo gỡ các rào cản hiện nay.
"Chẳng hạn người có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật lập pháp, có nhiều kinh nghiệm quản lý trong khu vực doanh nghiệp thì mình tiếp nhận người ta vào trong khu vực công để đáp ứng những công việc quan trọng luôn, chứ không như trước đây phải giao việc nhỏ rồi đến việc lớn. Bây giờ có thể giao ngay những việc quan trọng cho người ta, để người ta đáp ứng yêu cầu cấp bách", ông Dũng dẫn chứng.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, vị trí việc làm là công cụ, là một sợi chỉ xuyên suốt trong tất cả hành trình thiết kế của Luật Cán bộ, công chức. Vị trí việc làm là trung tâm, là cốt lõi, quyết định mọi việc từ tuyển dụng, sử dụng đến quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, kỷ luật, khen thưởng. Khi được tuyển dụng theo vị trí việc làm, đồng thời được bổ nhiệm vào ngạch luôn, bỏ việc tập sự, bớt được 1 năm không cần thiết.
Nhìn nhận rằng đây là một điểm mới rất đột phá, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho hay, thay vì bố trí làm nhân viên, hằng năm đánh giá, xét lên lương, rồi mới bố trí chức danh lãnh đạo quản lý thì nay có thể thi vào vị trí lãnh đạo quản lý và được bố trí giữ chức danh trưởng, phó phòng luôn.
*Xóa tư duy biên chế suốt đời
Cùng với việc đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, những điểm mới về phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong công việc để tận tâm, tận lực cống hiến hết khả năng của mình nếu không muốn bị loại khỏi bộ máy đang vận hành. Các quy định này cũng đồng thời giúp sàng lọc những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.
Ông Nguyễn Quang Dũng cho hay, lâu nay, việc đánh giá công chức cuối năm đa số đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ số rất ít không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi theo quy định phải 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì mới bị cho thôi việc. Do việc đánh giá còn hình thức, không thực chất, dẫn đến không đưa được người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy. Chính vì vậy, nhiều người có tư duy vào công chức là không ra, "biên chế suốt đời".
Để xóa tư duy đó, Luật lần này quy định tuyển dụng, sử dụng theo vị trí việc làm, gắn với năng lực, hiệu quả, sản phẩm công việc mà công chức đó đảm nhận. Nếu 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải bố trí công việc thấp hơn hoặc cho thôi việc. Cùng với đó, đưa phương pháp đánh giá hiện đại như KPI, sử dụng các công cụ công nghệ thông tin vào để đánh giá khách quan, thực chất ai làm được việc, ai không làm được việc, để sàng lọc.
"Việc sàng lọc tôi nghĩ chỉ là một phần. Quan trọng là khi đánh giá thực chất thì ý thức, trách nhiệm công chức sẽ cao lên. Những người làm tốt nhiệm vụ sẽ được nâng lương trước thời hạn, xem xét khen thưởng, được bố trí vào ngạch cao hơn, ưu tiên bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, họ sẽ tích cực làm việc. Những người không làm việc, sợ bị sàng lọc thì sẽ phải cố gắng làm, có động lực hơn", ông Dũng nói và cho rằng, điều quan trọng không phải sàng lọc, đưa ra khỏi bộ máy bao nhiêu người mà là nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc.
Thay vì việc đánh giá chung chung cảm tính, việc sử dụng công cụ KPI, ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá thông qua tiến độ, chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo khách quan, minh bạch. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, giai đoạn trước đây, chúng ta đánh giá cán bộ còn có lúc mang nặng tính hình thức, nể nang, dĩ hòa vi quý. Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ giúp chấm dứt thực trạng trên. Nhà nước không cần căn cứ nhiều vào việc khảo sát, sát hạch hay thi tuyển… để đánh giá năng lực, trình độ của cán bộ, công chức mà sẽ căn cứ vào kết quả công việc thực tiễn của mỗi cán bộ, công chức, viên chức để đánh giá, có các thang, bậc cụ thể để soi chiếu.
"Để thiết kế được có vào, có ra và dứt điểm xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, phải thực hiện hai công cụ. Công cụ thứ nhất là trên cơ sở vị trí việc làm, sử dụng tối đa công nghệ thông tin để đánh giá và công cụ thứ hai là sử dụng cơ chế hợp đồng. Hợp đồng với chuyên gia, nhà khoa học, hợp đồng một số vị trí việc làm", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin.
Bộ trưởng cho hay, hợp đồng vẫn là xu thế của nhiều nền công vụ tiên tiến trên thế giới. Các nước ít khi bố trí biên chế cứng như chúng ta. "Bây giờ chúng ta mở ra thành một cơ chế rất động, rất mở và rất linh hoạt để tuyển dụng và quản lý, để không có biên chế suốt đời", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói./.
Chu Thanh Vân