Thanh tra Chính phủ: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từng bước tháo gỡ &"điểm nghẽn" của "điểm nghẽn"
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV là hồi chuông thúc giục, là mệnh lệnh không thể chần chừ. Tổng Bí thư khẳng định, thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” và chỉ đạo phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Thanh tra Chính phủ thời gian qua đã tập trung vào những điểm quan trọng nhất của công cuộc đổi mới này.
Thanh tra Chính phủ thời gian qua đã tập trung vào những điểm quan trọng nhất của đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Ảnh: BTT
+ Xin ông cho biết về những kết quả nổi bật trong công tác pháp chế của Thanh tra Chính phủ thời gian qua?
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh: Từ đầu năm 2025 đến nay, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp, tham gia cùng Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Sau khi Đề án được Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, kết luận (Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025), Vụ Pháp chế đã tích cực phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu xây dựng các Kế hoạch triển khai (Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 145/QĐ-TTCP ngày 14/4/2025 của Tổng Thanh tra Chính phủ); tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2025/NĐ-CP ngày 20/5/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và giúp Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ để làm cơ sở cho việc sắp xếp Thanh tra 12 bộ về Thanh tra Chính phủ theo đúng kế hoạch (trước 1/6/2025).
Song song với quá trình sắp xếp, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025 tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Hoàn thành việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra và Nghị định quy định hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đã trình Chính phủ trong tháng 6 để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thời gian qua, hoạt động pháp chế của Thanh tra chính phủ cơ bản đáp ứng kịp thời việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của cơ quan thanh tra và việc xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng các quy định pháp luật có liên quan đến chính quyền địa phương 02 cấp, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ; trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 02/2025/TT-TTCP ngày 25/6/2025 hướng dẫn thực hiện; lập đường dây nóng để tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn thực hiện quy định về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khi vận hành chính quyền địa phương 02 cấp.
+ Đó là một khối lượng công việc rất lớn, được hoàn thành trong khoảng thời gian không dài. Ông có chia sẻ như thế nào về sự khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật của Thanh tra Chính phủ từ đầu năm tới nay?
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh: Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động pháp chế cơ bản đáp ứng kịp thời việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của cơ quan thanh tra và việc xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp.
Nhờ việc chủ động trong việc tham mưu, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ và trực tiếp của Ban Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để triển khai đồng bộ, kịp thời xây dựng thể chế.
Khi có yêu cầu của các bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ cũng cố gắng phối hợp để tham gia ý kiến góp ý cho các ngành luật khác.
Điển hình, các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 hay 28 nghị định của Chính phủ liên quan đến phân cấp, phân định thẩm quyền chính quyền khi vận hành chính quyền địa phương 02 cấp, đã thể hiện rõ sự tích cực, hiệu quả của công tác pháp chế của các bộ, ngành, trong đó có Thanh tra Chính phủ.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh. Ảnh: Ngọc Bích
+ Có câu chuyện đáng nhớ nào mà ông muốn chia sẻ về công việc của mình và các đồng nghiệp?
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh: Có nhiều điều để chia sẻ về công việc của chúng tôi. Nhưng trước hết, tôi muốn nói về sự động viên, ủng hộ của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, cũng như cán bộ, công chức của ngành Thanh tra, các đồng nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội…
Tiếp đó, tôi muốn chia sẻ về sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ làm công tác pháp chế đã không quản làm ngày đêm, thứ Bảy, Chủ nhật với mục tiêu cao nhất là để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất, chất lượng tốt nhất có thể.
Hình ảnh đêm khuya nhắn tin trao đổi nghiệp vụ, gửi văn bản vẫn có người thả tim, trả lời phúc đáp, tiếp nhận, hay những lúc tranh cãi "nảy lửa", tra cứu đến cùng để tìm ra điều, khoản, cụm từ tốt nhất cho văn bản quy phạm hay khoảnh khắc chờ Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua dự án Luật là những dấu ấn tốt đẹp của công chức pháp chế thời gian vừa qua.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm trong công việc, kết quả đã được “đáp lại” khi các văn bản được ban hành kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền 02 cấp.
+ Công tác pháp chế của Thanh tra Chính phủ đã đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật như thế nào, thưa ông?
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh: Chúng tôi nhận thức được rằng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một việc rất quan trọng.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV hồi tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” và chỉ đạo phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Phát biểu của Tổng Bí thư đã thổi lên một tư tưởng, một niềm tin và một cách làm mới. Thanh tra Chính phủ đã tập trung vào những điểm quan trọng nhất. Đó là từ vấn đề nghiên cứu, rà soát cho đến trình tự, thủ tục xây dựng luật, các văn bản hướng dẫn luật đều phải có những đổi mới, và mục tiêu cuối cùng là đáp ứng cao nhất cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp phục vụ Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Những “điểm nghẽn”, những thủ tục rườm rà từng bước được cắt giảm, loại bỏ. Ví dụ như Luật Thanh tra, đã giảm đến 45% số điều và việc tinh gọn bộ máy của ngành Thanh tra cũng góp phần giảm đáng kể các thủ tục hành chính.
Tiếp đó, sự đổi mới được thể hiện ở chỗ, luật chỉ quy định vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề mang tính trình tự, thủ tục thì đưa vào văn bản dưới luật.
Thanh tra Chính phủ đã tập trung vào những điểm quan trọng nhất, từ vấn đề nghiên cứu, rà soát cho đến trình tự, thủ tục xây dựng luật, các văn bản hướng dẫn luật đều phải có những đổi mới. Mục tiêu cuối cùng là đáp ứng cao nhất cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp phục vụ Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Một điểm đổi mới nữa, là đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt.
Ví dụ, Luật Thanh tra quy định phân cấp cho Chánh Thanh tra có thể ban hành kế hoạch thanh tra sau khi có thống nhất của thủ trưởng cơ quan Nhà nước về mặt chủ trương. Hoặc, trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì phải tăng cường vai trò của thanh tra trong việc kiểm soát quyền lực của các cơ quan Nhà nước. Mặc dù tinh gọn bộ máy, nhưng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra vẫn đảm bảo để giám sát việc thực hiện hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trong trong xã hội, để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật, cũng như chấn chỉnh công tác quản lý, đồng thời góp phần để hoàn thiện các chính sách pháp luật thông qua hoạt động thanh tra và góp phần trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thêm nữa, để xây dựng pháp luật mang tính hệ thống, giúp tránh bỏ sót các quy phạm, thì đồng thời với xây dựng luật, chúng tôi cũng xây dựng nghị định.
Đơn cử như song song việc xây dựng Luật Thanh tra, chúng tôi xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Cả hai văn bản này đồng thời được đưa vào hồ sơ để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền. Đó là một điểm tiến bộ.
Và đặc biệt, một sự đổi mới rõ nét nhất là về mặt quy trình và trình tự thủ tục được thực hiện một cách nhanh gọn, không bị rườm rà, đi thẳng vào bản chất của vấn đề. Có những văn bản chúng tôi xây dựng trong vòng một thời gian rất ngắn, nhưng vẫn được nghiên cứu kỹ càng, thẩm định đầy đủ, được các cơ quan góp ý, tham gia để làm sao ban hành văn bản có chất lượng tốt nhất.
Sự đổi mới về mặt tư duy xây dựng pháp luật đã tạo ra được một kết quả và bước tiến rất đáng kể trong việc xây dựng pháp luật của các cơ quan Nhà nước nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng.
Nhờ sự đổi mới này mà chỉ trong một thời gian ngắn, có nhiều văn bản luật được ban hành, thông qua, đảm bảo kịp thời cho việc sắp xếp, vận hành bộ, ngành và xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp, đó chính là niềm vui của mỗi cán bộ, công chức pháp chế.
+ Xin ông cho biết về những công việc sắp tới trong công tác pháp chế của Thanh tra Chính phủ?
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh: Sắp tới Thanh tra Chính phủ có nhiều việc phải làm. Trước hết là hướng dẫn triển khai Luật Thanh tra vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra và Nghị định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết liên quan đến việc hướng dẫn khoản 3 Điều 59 Luật Thanh tra; xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn xây dựng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, trình tự tiến hành một cuộc thanh tra, hồ sơ thanh tra, mẫu biểu trong hoạt động thanh tra…
Tập trung nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
Chúng tôi cũng xây dựng các đề án nhằm góp phần thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động thanh tra; xây dựng các quy trình về nghiệp vụ để tổ chức bộ máy đi vào vận hành với cơ chế mới được hoạt động một cách có hiệu quả.
Cùng với đó, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của Thanh tra Chính phủ, các địa phương khi có yêu cầu, để nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ thanh tra, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!