Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng 4.0: Các địa phương đã đạt được thành tựu gì?
Với nhận thức đúng đắn, triển khai quyết liệt, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52 về cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Ban được giao chủ trì sơ kết một số nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Để có thêm luận cứ và hoàn thiện các báo cáo Đề án Sơ kết Nghị quyết số 52 và 23 trình Bộ Chính trị, trong tháng 5/2024, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức làm việc với tỉnh Thái Nguyên (6/5) và Lâm Đồng (21/5) về 2 nội dung nêu trên. Trong đó chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ trong việc triển khai 2 nghị quyết của Bộ Chính trị, chia sẻ, phân tích, đánh giá làm rõ thêm về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan đến nội dung của hai Nghị quyết trong thời gian qua và các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Lâm Đồng ngày 21/5/2024 (Ảnh: Báo Lâm Đồng) |
Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt nghị quyết đến cán bộ chủ chốt toàn tỉnh và các cấp ủy, tổ chức đảng... về nhiệm vụ, mục tiêu và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện các nghị quyết đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.
Nhờ nỗ lực triển khai, đến nay, Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nhất định như: Đã xây dựng, vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (dịch vụ công) đồng bộ, liên thông 4 cấp từ cấp xã tới cấp Trung ương. Hoàn thành việc kết nối, liên thông Hệ thống với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
100% cơ quan Đảng, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G. Phát triển mới 5 trạm phát sóng 5G, đảm bảo 100% khu dân cư được phủ sóng thông tin di động 2G/3G/4G.
Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và hệ thống báo cáo số liệu liên thông với các sở, ngành, cơ quan (LRIS) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động 14 Trung tâm IOC trên địa bàn.
Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) tỉnh Lâm Đồng năm 2023 đạt 43,58 điểm, đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 16 cả nước. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Hệ thống trục tích hợp chia sẻ, kết nối dữ liệu LGSP tỉnh được Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đánh giá đáp ứng các tiêu chí về bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để kết nối vào Cơ sở dữ quốc gia về dân cư.
Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh trình diễn, giới thiệu công nghệ tại sự kiện “Kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023”. |
Còn tại Thái Nguyên, ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã nhận thức rằng Nghị quyết số 52-NQ/TW và 23-NQ/TW là các nghị quyết rất quan trọng, do đó tỉnh đã quán triệt tinh thần triển khai nghiêm túc, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương từ khâu quán triệt đến xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đều nghiêm túc, bài bản, tạo sự lan tỏa đến toàn hệ thống chính trị và người dân.
Thái Nguyên đã tích cực tố chức thực hiện các nghị quyết, học hỏi kinh nghiệm, rà soát kỹ lưỡng các chỉ đạo của trung ương. Tỉnh quyết tâm chuyển đổi số; đầu tư nguồn lực phù hợp nhất phát triển hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thái Nguyên cũng đã chú trọng định hướng quy hoạch để phát triển kinh tế công nghiệp, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực trọng phát triển kinh tế - xã hội, được Trung ương đánh giá cao.
Cụ thể, kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 với điểm số 47,75 đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Về hạ tầng số, tính đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị và 9/9 địa phương trực thuộc tỉnh đã thành Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình chuyển đổi số; tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,5%; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%; mạng số liệu chuyên dùng kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển.
Về Kinh tế số, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện khai thuế điện tử; 98% số doanh nghiệp đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%. Toàn tỉnh có hơn 2.700 sản phẩm cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/61 tỉnh, thành phố cả nước. Toàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Về phát triển đô thị thông minh: Tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công được tổ chức triển khai với 11 hạng mục. Ứng dụng công dân số “C-ThaiNguyen” phát huy hiệu quả kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Trên thực tế, kế từ khi Nghị quyết số 52-NQ/TW được ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã ban hành kế hoạch hành động; tổ chức quán triệt, tích cực triển khai và đã đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển kinh tế số, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thích ứng với quá trình hội nhập và sự biến chuyển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.