• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao cần sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc?

Việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc được đặt ra trong bối cảnh yêu cầu sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội...

Phù hợp với định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Theo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay, xuất phát từ yêu cầu sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó giao Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương (sau khi sáp nhập).

Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở … và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tổ chức bộ máy, đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các Hội quần chúng ở Trung ương do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Qua rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, để đồng bộ với tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi được sắp xếp lại và tiếp tục cụ thể hóa quy định mới sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, để bảo đảm:

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận (sửa đổi, bổ sung Điều 9, Điều 10 và Điều 84 Hiến pháp năm 2023) và về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương (Chương IX Hiến pháp và các quy định về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh).

Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên khác của Mặt trận cho phù hợp với quy định được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sau sửa đổi, bổ sung).

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, vai trò và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, về phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Nhân dân, các đoàn thể khác, về quản lý tài chính, tài sản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng phù hợp với tổ chức bộ máy công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn sau khi Đề án sắp xếp, sáp nhập về Mặt trận Tổ quốc được thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ngay chủ trương sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức.

Vì sao cần sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc?

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 3 khóa X cũng đã nêu ra vấn đề sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc để phù hợp với định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: mattran.gov.vn

Luật hóa chủ trương, cụ thể hóa Hiến pháp​​​​​​​

Mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ để thể chế hoá đầy đủ chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tương ứng khi đơn vị hành chính và chính quyền địa phương chỉ còn ở 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Sau sửa đổi, bổ sung, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ quy định rõ hơn về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước, Nhân dân và các tổ chức; điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng đã nêu tại Cương lĩnh chính trị; Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi) về vị trí, chức năng, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các Hội quần chúng ở Trung ương do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều cần thiết gắn với mô hình tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau khi sắp xếp lại), bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thống nhất thực hiện; khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của mỗi tổ chức; có sửa đổi, bổ sung một số quy định còn hạn chế, vướng mắc đã nhận diện rõ trong quá trình thực thi các luật và giải quyết được những vấn đề cần được điều chỉnh sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng thời, phải bảo đảm nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trong tổ chức và hoạt động của mỗi tổ chức thành viên phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của mỗi tổ chức, bảo đảm tính độc lập tương đối của tổ chức mình.

Quán triệt chủ trương của Trung ương, Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Theo đó, Luật chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 đang được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số quy định về chính quyền địa phương (đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh).

Các quy định này có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới một số quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Do đó, để bảo đảm tính hợp Hiến, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Luật này để ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 các Luật cũng được sửa đổi, bổ sung đồng thời, làm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.


Tác giả: Phong Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...