Cổ phiếu hàng không cất cánh
Cùng với sự hồi phục của ngành hàng không sau hai năm khó khăn chưa từng có vì dịch bệnh, cổ phiếu ngành này cũng thăng hoa.
Trái ngọt cho nhà đầu tư đón đầu
Độ phủ vắc-xin và chính sách chống dịch linh hoạt, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế là liều thuốc trợ lực cho ngành hàng không vực dậy. Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm rõ nhất để nhìn thấy sức sống của ngành hàng không đã trở lại. Sân bay đông nghịt người, các hãng liên tục tăng chuyến, giá vé những chặng quan trọng như Hà Nội - TP.HCM tăng cao.
Các hãng hàng không đang khôi phục lại đường bay trong nước và quốc tế. |
Ngay từ cuối tháng 1, nhà đầu tư Bùi Văn Thắng đã tìm hiểu những cổ phiếu của nhóm hàng không như AST (Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco), HVN (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) để đón đầu cơ hội hồi phục của ngành này.
Trong khi đó, anh Hoàng Thanh, bạn của anh Thắng chọn đầu tư vào cổ phiếu VJC (của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet) với niềm tin cổ phiếu này sẽ đem lại trái ngọt cho anh.
“Tôi tìm những cổ phiếu có thanh khoản tốt và có nhiều động lực tăng trưởng. VJC rất năng động và tôi có niềm tin vào doanh nghiệp này”, anh Thanh chia sẻ.
Anh mua vào cổ phiếu VJC từ cuối tháng 1, ở vùng giá 120.000 đồng/cổ phiếu, đến phiên giữa tuần qua, cổ phiếu này đã tăng lên vùng 150.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 25%.
Nhận định về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên, sau đó là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không, cuối cùng là các doanh nghiệp vận tải hàng không.
Đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu hàng không có khả năng hồi phục tốt, được thể hiện ở năng lực khai thác lớn với lợi thế cạnh tranh bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có cơ cấu tài chính đủ an toàn để phòng rủi ro kế hoạch mở lại các đường bay không diễn ra thuận lợi, làm suy giảm tốc độ hồi phục của các doanh nghiệp.
Theo BVSC, các đường bay quốc tế có thể hồi phục mạnh bắt đầu từ cuối quý II, đầu quý III năm nay. Ước tính, lượng khách nội địa và quốc tế năm 2022 là 30 triệu và 5 triệu hành khách, lần lượt tăng 89,9% và 4.661% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet sẽ có khả năng hồi phục tốt hơn do đội bay trẻ tiết kiệm nhiên liệu cùng vị thế thống lĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế ở các chặng ngắn. Bên cạnh đó, với kế hoạch tiếp tục mở rộng đội bay thêm khoảng 8 chiếc vào năm nay, Vietjet sẽ nắm bắt được sự hồi phục của ngành giai đoạn hậu đại dịch.
Giới phân tích nhận định, khó khăn đã qua đi, đây là thời điểm tốt để đến với cổ phiếu hàng không. Nhóm cổ phiếu đang được săn tìm như SCS (của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn), AST (của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco), ACV (của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), HVN, VJC…
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, ACV, SCS, VJC và AST là bốn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2022 - 2023.
Triển vọng hồi phục mạnh mẽ
Dự báo được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings đưa ra, năm 2022, ngành du lịch và hàng không sẽ khởi sắc sau hai năm khó khăn.
Dịp Tết vừa qua, Vietravel Airlines đã tăng gần 53% số lượng chuyến bay cho các chặng bay Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Phú Quốc, hiệu suất sử dụng ghế các chặng bay đạt 92%. Theo ông Kỳ, việc Việt Nam khôi phục đường bay đến các chặng quốc tế như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra kể từ ngày 15/2/2022 là động lực quan trọng cho sự hồi phục của ngành hàng không.
Ngay sau khi có thông tin mở cửa bầu trời, nhiều hãng hàng không đã lên kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế. Vietnam Airlines đã khôi phục đường bay đến 15 nước và vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, các chặng đến châu Âu với tần suất 1 - 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần, chặng đến Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Mỹ từ 4 - 5 chuyến mỗi tuần.
Vietjet Air đã khai thác trở lại đường bay từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan với tần suất 1 chuyến khứ hồi một tuần. Hãng cũng có kế hoạch tăng tần suất một số chặng và khai thác trở lại đường bay đến một số quốc gia khác trong khu vực cũng như đến Nga, Ấn Độ.
Bamboo Airways nhận định thị trường hàng không sẽ khôi phục trong năm nay và lên kế hoạch mở rộng mạng lưới bay lên gần 40 điểm quốc tế.
Đối với khu vực châu Á, Đông Bắc Á, Hãng khai thác đường bay quốc tế thường lệ Hà Nội - Narita, Hà Nội - Đài Bắc và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). Đáng chú ý, từ ngày 25/2/2022, Bamboo Airways chính thức khai thác đường bay Hà Nội - Frankfurt (Đức), với tần suất ban đầu 2 chuyến khứ hồi/tuần.
Một trợ lực chính sách khác cho việc hồi phục của thị trường hàng không là từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Để tái khởi động các chuyến bay quốc tế, Chính phủ đã đồng ý phương án thí điểm đón khách nước ngoài có hộ chiếu vắc-xin đến Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang...
Hiện Việt Nam đã đạt được độ phủ vắc-xin tương đối cao. Tính đến 8/2/2022, số lượng người được tiêm đủ hai liều là 73,9% dân số, người từ 19 tuổi trở lên chiếm 69% dân số. Tốc độ phủ vắc-xin nhanh của Việt Nam được đánh giá cao và là tiền đề quan trọng cho việc mở cửa nền kinh tế, mở cửa bầu trời.
VNDirect đặt kỳ vọng lượng khách thông quan nội địa trong năm tăng 155,3% so với năm ngoái do Việt Nam đang bước vào trạng thái bình thường mới với nhu cầu đi lại phục hồi. Trong giai đoạn 2023 - 2024, lượng khách nội địa có thể trở về mức tăng trưởng 7,6 - 7,9% hàng năm.
Lượng khách quốc tế thông quan kỳ vọng đạt 13,1 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,2 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 11-14,3% trong giai đoạn 2023-2024.
Thời điểm hàng không phục hồi mạnh nhất được nhận định kể từ quý II năm nay với động lực chính từ vận tải nội địa. Các chính sách kích cầu du lịch nội địa, sự sôi động của thị trường du lịch trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng chính bên cạnh việc phục hồi vận tải quốc tế.
Thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua và đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu của các hãng hàng không có khả năng hồi phục tốt, được thể hiện ở năng lực khai thác lớn với lợi thế cạnh tranh bền vững.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu hàng không đã tăng mạnh mẽ trong thời gian qua như VJC ngày 23/2 có thị giá 146.500 đồng/cổ phiếu, tăng 16,2% so với đầu tháng 1. Cùng thời gian này, cổ phiếu SCS có thị giá 163.500 đồng/cổ phiếu, tăng 6,3%; cổ phiếu HVN thị giá 26.350 đồng/cổ phiếu, ACV đạt thị giá 94.700 đồng/cổ phiếu, tăng 9,4%; AST thị giá 64.100 đồng/cổ phiếu, tăng 20,4%.
Trong nhóm này, ACV được VNDirect đánh giá thích hợp để đầu tư dài hạn, dựa trên kết quả kinh doanh phục hồi vững chắc trong các năm tới khi đường bay quốc tế được mở lại, khả năng niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2022, kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp khi sân bay Long Thành - dự án đầu tư công trọng điểm đang được đẩy mạnh tiến độ...
Rủi ro hiện tại của nhóm hàng không là dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự kiến, nhưng với biện pháp chống dịch linh hoạt thích ứng an toàn, phục hồi phát triển kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm và tự tin hơn.
Hải Minh/ĐTCK