• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dư nợ margin nhóm chứng khoán đạt gần 156.000 tỷ đồng cuối quý 3/2023

Mặc dù cho vay margin tăng mạnh nhưng nghiệp vụ này không hẳn là con gà đẻ trứng vàng cho các công ty chứng khoán trong quý 3 vừa qua...

Cập nhật từ báo cáo tài chính quý 3/2023 của 40 công ty chứng khoán (tương đương 96 tổng vốn chủ sở hữu của ngành) cho thấy, tại thời điểm 30/9, dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường ở mức 155.600 tỷ đồng - tăng hơn 12.000 tỷ đồng (+8,4%) so với cuối quý trước và tăng gần 36% so với đầu năm. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh hồi quý 1/2022 (184.000 tỷ đồng), số liệu này thấp hơn 28.000 tỷ đồng.

Dư nợ margin nhóm chứng khoán đạt gần 156.000 tỷ đồng cuối quý 3/2023
 

Ở một số công ty ghi nhận dư nợ marging lớn có thể kể đến SSI, VNDirect, Mirae Asset, TCBS, ACBS,... Tuy nhiên, với tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức thấp dưới 2 lần, có thể thấy room cho vay margin hiện vẫn còn dư địa tăng và rủi ro căng margin chưa xuất hiện.

Nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng tới 19.000 tỷ đồng cổ phiếu trong ba quý qua, trái ngược mức 16.000 tỷ đồng bán ròng ở cả năm trước, bất chấp khối ngoại bán ròng. Số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới cũng liên tục lập kỷ lục trong vòng một năm trở lại.

Mặc dù cho vay margin tăng mạnh nhưng nghiệp vụ này không hẳn là con gà đẻ trứng vàng cho các công ty chứng khoán trong quý 3 vừa qua. Tại Chứng khoán HSC, cho vay margin tăng mạnh lãi từ nghiệp vụ này lại suy giảm; tại SSI cho vay margin cũng tăng nhưng tăng trưởng lãi cho vay không đáng kể chỉ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này diễn ra tương tự ở VNDirect,...

Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mảng tự doanh nên hầu hết công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý đều đạt mức lãi sau thuế tăng bằng lần như ACB, VIX, SSI,... Đây cũng là điều dễ hiểu nếu so với mức nền thấp của cùng kỳ khi VN-Index vẫn miệt mài lao dốc.

Lượng tài khoản mở mới cải thiện

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản mở mới vượt mức 100.000 tài khoản nhiều tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 9, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 8% dân số. Cùng với số tài khoản gia tăng mạnh, thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện tích cực, các phiên giao dịch tỷ đô dần xuất hiện trở lại.

Nhà đầu tư gia nhập trở lại kênh chứng khoán, ngoài lượng tiền được chuyển từ các kênh truyền thống như tiết kiệm chảy sang, đồng thời họ cũng mạnh dạn hơn trong việc sử dụng margin.

Cần nói rằng đà tăng của dư nợ cho vay tại nhóm chứng khoán khả năng cao diễn ra trong giai đoạn nửa đầu quý 3, trùng với thời điểm thị trường thuận lợi cộng thêm mặt bằng lãi suất thấp. Song, áp lực bán mạnh từ nửa sau tháng 8 được nhiều chuyên gia đánh giá là có một phần xuất phát từ động thái bán giải chấp "call margin", đưa dư nợ xuống mức thấp hơn đôi chút.

Trên thực tế, việc liên tiếp giảm lãi suất huy động từ đầu năm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán, do đó một phần tiền gửi ngân hàng có thể chuyển dịch sang kênh cổ phiếu dù con số có thể không quá lớn.

Tuy nhiên, dư địa còn lại để tiếp tục giảm lãi suất không lớn. Dragon Capital trong báo cáo gần đây cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm thêm nếu đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các yếu tố bên ngoài vẫn tiếp tục gây áp lực lên đồng Việt Nam cùng với việc lạm phát trong nước tăng 2 tháng liên tục, dẫn tới dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của NHNN sẽ bị hạn chế.

Anh Khôi (t/h)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...