• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo ngại thuế quan leo thang, chứng khoán mất điểm: Kịch bản tiếp theo là gì?

Thị trường chứng khoán giảm điểm do lo ngại thuế quan leo thang, nhưng theo chuyên gia, rủi ro và tác động từ chính sách thuế có thể đang bị “thổi phồng” quá mức.

Nhà đầu tư được khuyến nghị thận trọng, bình tĩnh, tìm "cơ" trong "nguy" giữa bối cảnh thị trường điều chỉnh do lo ngại "chiến tranh thuế quan". Ảnh: Đ.H

Dù các biện pháp bảo hộ thương mại có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn có những yếu tố hỗ trợ quan trọng. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tâm lý bình tĩnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến chính sách và tìm kiếm cơ hội trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Thị trường điều chỉnh trước lo ngại về thuế quan

Trong tuần giao dịch từ 24 – 28/3, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, đặc biệt ở ba phiên cuối tuần, khi lo ngại về việc Mỹ gia tăng thuế quan leo thang. Ngày 26/3, Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% đối với xe hơi – gấp 10 lần mức cũ – với hiệu lực từ ngày 2/4. Động thái này đã khiến cổ phiếu ngành ô tô toàn cầu lao dốc, làm tâm lý nhà đầu tư thêm phần bất ổn giữa bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài.

Ngoài ra, vào ngày 2/4, Mỹ dự kiến sẽ công bố chính sách thuế đối ứng nhắm vào nhóm 15 quốc gia có mức thuế cao và thặng dư thương mại lớn, trong đó Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trước bối cảnh đó, VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm (+/-10 điểm) trong tuần tới, theo chuyên gia Đinh Quang Hinh từ Chứng khoán VnDirect. Tuy nhiên, khả năng VN-Index giảm sâu hơn vùng này là không cao, do thị trường đã phản ánh phần lớn lo ngại về thuế quan vào đợt điều chỉnh gần đây.

Việt Nam cũng đã thực hiện một số bước đi mạnh mẽ nhằm giảm thiểu nguy cơ bị Mỹ áp thuế quan khắc nghiệt. Cụ thể, các thỏa thuận thương mại với Mỹ trị giá lên tới 90 tỷ USD đã được ký kết, đồng thời Việt Nam đang xem xét giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu như ô tô, ethanol, LNG, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ để giúp cân bằng thương mại với các đối tác quan trọng.

Ngoài ra, ảnh hưởng trực tiếp của thuế quan đối với thị trường chứng khoán là không quá lớn, do nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong các chỉ số chính.

“Tôi cho rằng rủi ro và tác động từ thuế quan có thể đang bị thổi phồng quá mức”, ông Hinh nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về sự biến động giữa các nhóm ngành, chuyên gia Chứng khoán BSI nhận định tuần qua, thị trường chứng kiến sự phân hóa rõ nét. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng tiếp tục là lực cản lớn khi hầu hết các mã trong nhóm này chịu áp lực điều chỉnh, gây khó khăn cho VN-Index trong nỗ lực bứt phá.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản vẫn là điểm sáng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và thông tin hỗ trợ tích cực. Nhờ đó, thị trường vẫn duy trì sắc xanh trong hai phiên đầu tuần. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng vào những phiên cuối tuần khi nhà đầu tư trở nên thận trọng trước lo ngại về thanh khoản yếu và những rủi ro từ thị trường quốc tế.

“VN-Index giảm điểm, phản ánh sự suy yếu của động lực tăng trưởng. Dù vẫn có một số nhóm ngành giữ được đà tăng, sự phân hóa mạnh và tâm lý bi quan đang chi phối thị trường”, chuyên gia BSI cho hay.

Hồi phục hay tiếp tục suy yếu?

Bước sang tuần mới, thị trường vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Chuyên gia từ BSI cho rằng việc VN-Index tiếp tục mất điểm, cùng với thanh khoản khớp lệnh giảm gần 12% so với tuần trước đó, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Đáng chú ý, khối ngoại duy trì đà bán ròng hơn 2.099 tỷ đồng, đặc biệt tập trung vào các mã vốn hóa lớn, tạo thêm áp lực lên thị trường.

Từ góc độ kỹ thuật, dù VN-Index tiếp tục điều chỉnh trong tuần vừa qua, xu hướng trung và dài hạn vẫn đang được duy trì khi chỉ số vẫn nằm trên các đường trung bình quan trọng. Chỉ báo SAR và cặp DI+ và DI- vẫn giữ trạng thái tích cực, thể hiện sự kiểm soát của phe mua, dù lực cung gia tăng trong ngắn hạn. MACD vẫn nằm trên đường tín hiệu, củng cố kỳ vọng rằng thị trường có thể tiếp tục vận động trong xu hướng tăng sau giai đoạn điều chỉnh.

VN-Index vẫn gặp khó khăn tại các ngưỡng kháng cự quan trọng, trong khi dòng tiền yếu và khối ngoại duy trì bán ròng, khiến thị trường dao động trong biên độ hẹp. Sự phân hóa giữa các nhóm ngành vẫn tiếp diễn, với một số cổ phiếu thu hút dòng tiền nhưng chưa đủ mạnh để tạo đà tăng.

Trong tuần này, xu hướng đi ngang có thể tiếp tục nếu thanh khoản không có sự cải thiện. Nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến chính sách thương mại của chính quyền Mỹ, vì những quyết định về thuế quan có thể tác động đến dòng vốn toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

“Chiến lược giao dịch nên thận trọng, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang thu hút dòng tiền, tránh mua đuổi trong các nhịp tăng thiếu sự xác nhận từ thanh khoản”, chuyên gia BSI khuyến nghị.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Quang Hinh vẫn bảo lưu quan điểm rằng nếu VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 1.300 điểm (+/-10 điểm), đây có thể là cơ hội giải ngân với mức giá vốn hấp dẫn cho mục tiêu trung và dài hạn. Đặc biệt, các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện và đầu tư công có thể là những lựa chọn đáng cân nhắc.

Ông Hinh cho rằng về dài hạn, thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ để kỳ vọng vào xu hướng tích cực trong năm 2025. Các yếu tố này bao gồm định giá hấp dẫn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, những lợi ích từ hệ thống giao dịch KRX và kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Hai kịch bản thị trường

Trước những biến số khó lường của thị trường, chuyên gia Chứng khoán Asean đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tuần này:

Thứ nhất, kịch bản khả quan (xác suất 30%): VN-Index duy trì xu hướng tích lũy trong phạm vi 1.215 – 1.240 điểm, đặc biệt khi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng và chưa có tín hiệu rõ ràng về xu hướng tiếp theo. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên duy trì chiến lược quan sát và chỉ giải ngân khi có dấu hiệu xác nhận xu hướng.

Kịch bản kém khả quan (xác suất 70%): Thị trường có thể điều chỉnh về các mốc hỗ trợ thấp hơn do áp lực chốt lời. Nếu kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư nên cân nhắc tái cơ cấu danh mục, giảm rủi ro bằng cách cắt giảm các cổ phiếu yếu và theo dõi tín hiệu đảo chiều.

Nhìn chung, dù kịch bản nào diễn ra, sự thận trọng vẫn là điều cần thiết để nhà đầu tư bảo toàn lợi nhuận và tối ưu hóa danh mục.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...