Sự kiện chứng khoán cần lưu ý trong tuần 7-11/3/2022
Dữ liệu CPI của Mỹ; Cuộc họp ECB; Giá hàng hoá tăng mạnh;... là các sự kiện quốc tế quan trọng nhà đầu tư chứng khoán cần quan sát trong tuần giao dịch từ tuần 7-11/3/2022.
Sự kiện chứng khoán cần lưu ý trong tuần 7 - 11/3/2022. (Ảnh minh họa) |
Thị trường chứng khoán nhiều biến động
Những lo lắng về địa chính trị sẽ tiếp tục che phủ triển vọng của thị trường chứng khoán toàn cầu ngay cả khi lo ngại về lạm phát tăng vọt và giá hàng hóa cao hơn bởi các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã hạn chế kỳ vọng về việc Fed sẽ tăng lãi suất mạnh và nhanh hơn.
Tuy nhiên, giá hàng hóa tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát thậm chí còn lớn hơn, điều này có thể khiến Fed tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết ông sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất 0,25% tại cuộc họp sắp tới nhưng nói thêm rằng ông sẽ "chuẩn bị hành động mạnh mẽ hơn" nếu lạm phát không giảm nhanh như dự kiến.
Dữ liệu CPI của Mỹ
Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào thứ Năm (10/3) dự kiến sẽ cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng, với các nhà kinh tế dự báo mức tăng 7,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức cao nhất trong bốn thập kỷ của tháng 1 là 7,5%.
Trong khi cuộc chiến ở Ukraine đã làm giảm kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ thì con số CPI cao hơn dự kiến có thể thúc đẩy kỳ vọng về hành động nhanh hơn. Điều đó sẽ làm tổn hại đến các tài sản rủi ro, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn liên quan đến Ukraine.
Giá hàng hoá tăng mạnh
Hôm 4/3, Nhà Trắng cho biết chính quyền Biden đang xem xét việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga sau khi Thượng viện đang nhanh chóng thông qua dự luật cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga.
Trong tuần qua, giá dầu đã có mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ giữa năm 2020 với giá dầu Brent tăng 21% và giá dầu thô Mỹ tăng 26%.
Ngoài ra, việc trì hoãn các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn trong tuần này.
Các nhà giao dịch dầu cũng đang theo dõi xem liệu Iran có thể đạt được một thỏa thuận cho phép nước này bán dầu trên thị trường để đổi lấy việc chấm dứt các chương trình hạt nhân của nước này hay không. Sau đó, Iran có thể mang lại 1 triệu thùng cho thị trường, nhưng các nhà phân tích cho rằng nguồn cung sẽ vẫn còn thiếu hụt.
Bên cạnh giá dầu, giá ngũ cốc và kim loại cũng đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine diễn ra kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow làm gián đoạn xuất khẩu từ nhà sản xuất lớn của Nga và đe dọa gián đoạn nguồn cung toàn cầu đang gia tăng.
Cuộc họp ECB
ECB đã và đang đặt nền móng cho việc thoát khỏi các chính sách cực kỳ dễ dàng, nhưng căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến các kế hoạch của họ trở nên xáo trộn.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ở mức cao kỷ lục 5,8%, gần gấp ba lần mục tiêu 2% của ECB và xung đột leo thang đã làm tăng giá năng lượng và gây ra áp lực gia tăng đối với lạm phát. Đồng thời, lạm phát cũng đang che lấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc họp vào thứ Năm (10/3), ECB dự kiến sẽ bám sát kế hoạch chấm dứt việc mua tài sản trong Chương trình Mua tài sản khẩn cấp (PEPP).
Bất kể cuộc chiến ở Ukraine, các thị trường tài chính vẫn kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất từ 0,5% quay trở lại mức đại dịch là 0,75% vào ngày 17/3 trong bối cảnh áp lực giá cả gia tăng.
Trong khi đó, Nga sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 2 vào thứ Tư (9/3) với chỉ số CPI dự kiến sẽ tăng lên 8,8% khi tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu có hiệu lực.
Hoàng Hà