• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chứng khoán ngày 18/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Giải mã nguyên nhân gần 800 cổ phiếu giảm điểm; CII bán cổ phiếu để giảm áp lực dòng tiền; Một cổ phiếu gấp gần 3 lần sau 6 phiên;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 18/1/2022.

Giải mã nguyên nhân gần 800 cổ phiếu giảm điểm: Kết thúc phiên giao dịch 17/01/2022, VN-Index sụt 2,89%, tương đương 43,18 điểm về mức 1.452,84 điểm; HNX cũng lùi sâu 21.52 điểm (4.61%), dừng tại 445.34 điểm. Đà giảm trong phiên 17/01 lan rộng đến tất cả các nhóm ngành. Trong đó nhóm chứng khoán, thiết bị điện, sản xuất nhựa và hóa chất là những ngành giảm mạnh nhất thị trường. VHM, GVR, VPB, VIC là 4 mã kéo lùi chỉ số VN-Index nhiều nhất với gần 10 điểm. Ở chiều ngược lại, gần như chỉ có VCB là trụ đỡ thị trường với 3,6 điểm hỗ trợ. Theo nhận định của các chuyên gia, yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến thị trường giảm điểm là mặt bằng giá cổ phiếu ở mức cao sau 1 đợt tăng giá dài và lượng margin thị trường duy trì ở mức cao làm tăng áp lực call margin... Ngoài ra, ông Nguyễn Vũ Luân - Trưởng phòng Môi giới Chứng khoán VNDirect (VND) - còn cho rằng sự cố FLC và Tân Hoàng Minh như một thiên nga đen làm thay đổi tâm lý nhà đầu tư thay vì hưng phấn đã chuyển sang hoảng loạn.

1704-thong-tin-mo-cua

Ông Nguyễn Vũ Luân - Trưởng phòng Môi giới Chứng khoán VNDirect cho rằng, sự cố FLC và Tân Hoàng Minh như một thiên nga đen làm thay đổi tâm lý nhà đầu tư thay vì hưng phấn đã chuyển sang hoảng loạn. Hình minh họa

Một cổ phiếu gấp gần 3 lần sau 6 phiên: Đóng cửa phiên ngày 17/1, cổ phiếu công ty Big Invest Group (UPCoM: BIG) tăng trần 6 phiên liên tiếp, nâng thị giá lên 30.300 đồng/cp, tương đương mức tăng 178%. 5 triệu cổ phiếu BIG giao dịch lần đầu tiên trên sàn UPCoM tại ngày 10/1. Tính riêng phiên giao dịch này, thị giá BIG đã tăng kịch biên độ 40% từ mức giá tham chiếu 10.900 đồng/cp lên 15.200 đồng/cp. Cổ phiếu có thanh khoản thấp, khoảng 30.000 – 40.000 đơn vị mỗi phiên. Riêng ngày 14/1 ghi nhận khối lượng đột biến với 120.700 đơn vị khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3 tỷ đồng.

VND được thêm vào chỉ số VNFIN Lead trong kỳ cơ cấu tháng 1: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố danh mục cổ phiếu thành phần, khối lượng lưu hành tính chỉ số, tỷ lệ free float, trọng số thanh khoản và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của chỉ số VNFIN Lead và VN30 có hiệu lực vào ngày 7/2/2022. Theo đó, cổ phiếu VND của VNDirect (HoSE: VND) được thêm vào danh mục của chỉ số VNFIN Lead trong kỳ cơ cấu lần này, trong khi không có cổ phiếu nào bị loại. Kết quả trên đã được khá nhiều công ty chứng khoán dự báo trước đó. Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), VND đã chuyển giao dịch về lại sàn HoSE nên được thêm vào bộ chỉ số VNFIN Lead. Hiện SSIAM VNFinLead ETF với tổng tài sản 3.456 tỷ đồng là quỹ mô phỏng chỉ số này. Đối với chỉ số VN30, chỉ số này không có sự thay đổi về thành phần cổ phiếu trong kỳ cơ cấu tháng 1/2022. Trong đó, giới hạn tỷ trọng của cổ phiếu HPG tăng từ 98,98% lên thành 100%. Bên cạnh đó, tỷ trọng vốn hóa của VHM, VIC và VRE giảm từ 81,69% xuống còn 78,09%.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng trong phiên thị trường có đến 183 mã nằm sàn: Trong phiên thị trường chứng khoán Việt chìm sâu và có tới 183 mã nằm sàn. Trái ngược với biến động xấu của thị trường chung, khối ngoại tiếp tục có một phiên giao dịch tích cực. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 46,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.850 tỷ đồng, trong khi bán ra 45 triệu cổ phiếu, trị giá 1.671 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng ở mức gần 1,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 178 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 199 tỷ đồng, tuy nhiên, mức mua ròng này giảm 74% so với phiên cuối tuần trước, tương ứng khối lượng 1,8 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã STB với giá trị 59 tỷ đồng. VNM và BID được mua ròng lần lượt 50,7 tỷ đồng và 48,8 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VND bị bán ròng mạnh nhất với 62 tỷ đồng. PDR đứng sau với giá trị bán ròng 33 tỷ đồng.

SCIC rục rịch thoái vốn thêm 1 công ty con ở lĩnh vực vận tải: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - Công ty TNHH (SCIC) vừa đăng ký thoái toàn bộ 51% vốn sở hữu tại CTCP Quản lý Bảo trì Đường thủy Nội địa Số 4 (UPCoM: DT4) từ ngày 17/01-15/02/2022 nhằm mục đích thoái vốn Nhà nước đầu tư. SCIC đang là Công ty mẹ của DT4 với sở hữu 591.600 cp tương đương 51% vốn. Chiếu theo giá 7.100 đồng/cp (phiên 17/01), ước tính thương vụ có giá trị khoảng 4,2 tỷ đồng. Ngoài SCIC, DT4 đang có 3 cổ đông lớn khác, đều là người nội bộ doanh nghiệp, gồm: Chủ tịch HĐQT Dương Hải Thanh (9,49%), Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Phạm Hồng Minh 6,68%) và Uỷ viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc Nguyễn Phi Trường (5,23%).

CII bán cổ phiếu để giảm áp lực dòng tiền: Ngày 7/1/2022, Hội đồng Quản trị CII đã công bố nghị quyết thông qua việc chấp thuận bán hết hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ để phục vụ nhu cầu tài chính của Công ty. Với mức giá hiện tại, CII có thể thu về gần 2.400 tỷ đồng từ việc bán số cổ phiếu quỹ này. Cùng ngày, CII đã đăng ký bán tiếp 5,2 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để cân đối tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/1 đến 10/2/2022. Với giao dịch này, CII có thể thu về 290 tỷ đồng tỷ đồng. Đây là đợt bán cổ phiếu thứ 4 của CII tại NBB từ đầu quý IV/2021 đến nay. Tỷ lệ sở hữu vốn của CII tại NBB cũng giảm từ mức 93,7% vào đầu tháng 10/2021 xuống 60,13%, nếu hoàn tất đợt đăng ký bán tới đây. Như vậy, với gần 2.700 tỷ đồng dự kiến thu được từ việc bán cổ phiếu quỹ và cổ phiếu NBB vừa đăng ký, dòng tiền của CII sẽ được hỗ trợ đáng kể trong bối cảnh dư nợ vay đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn vốn.

Thanh khoản cổ phiếu bất động sản có tuần tăng mạnh: Tuần 10 - 14/01, VN-Index giảm hơn 2% xuống còn 1.496,02 điểm, HNX-Index giảm gần 5,5% còn 466,86 điểm. Thanh khoản bình quân vẫn tăng so với tuần trước đó. Sàn HOSE ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng gần 8% lên hơn 1,1 tỷ đơn vị/phiên, giá trị giao dịch bình quân tăng gần 4% lên hơn 33,4 tỷ đồng/phiên. Sàn HNX thì ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 3% lên 137,2 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân tăng hơn 6% lên hơn 4 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, thanh khoản tuần qua có xu hướng giảm dần về cuối tuần, giá trị giao dịch phiên cuối tuần chỉ bằng một nửa phiên đầu tuần. Thị trường náo động với thông tin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh nhưng nhóm bất động sản vẫn là nhóm hút tiền nhất tuần qua. Top tăng mạnh thanh khoản trên cả 2 sàn có sự góp mặt của nhiều cái tên thuộc nhóm bất động sản. VPH ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân gấp gần 3.6 lần tuần trước, đạt gần 3,1 triệu đơn vị/phiên. TIP, HCD, TDC, LHG, AGG có thanh khoản gấp bằng lần tuần trước. Nhiều mã khác như DIG, FLC, NBB, BCE, L14, HLD đều tăng mạnh thanh khoản trong tuần qua. Tuy nhiên, một số mã như DIG, FLC giảm sâu tới gần 20 - 30%.

Tuệ An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...